Giáo Dục Toàn Diện

Lễ Thánh Gia, Năm C

Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta. (Lc 2:52)

Anh chị em thân mến,

Lễ Thánh Gia là một ngày lễ quan trọng đối với người Công Giáo, bởi vì ngày lễ này chứa đựng nhiều ý nghĩa thiết thực cho đời sống.

Lễ Thánh Gia là dấu chỉ cho thấy gia đình là một cơ cấu thiết yếu của xã hội loài người. Gia đình được Chúa chúc phúc, vì chính Ngôi Lời trong Thiên Chúa đã nhập thể làm người trong một gia đình. Ngài đi vào thế giới nhân loại không phải như một hiệp sĩ độc hành, nhưng xuyên qua gia đình. Qua việc này, ta thấy Thiên Chúa đã công nhận gia đình như là cơ cấu cốt yếu của nhân loại.

Lễ Thánh Gia nêu bật gia đình của Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse thành một gia đình gương mẫu cho mọi gia đình Công Giáo cũng như cho mọi gia đình tin theo Chúa Giêsu. Nơi đây, ta tìm thấy khuôn mẫu giáo dục cho con cái cháu chắt. Cuối bài Tin Mừng hôm nay, ta đọc thấy câu sau đây. “Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta” (Lc 2:52). Đây là đường lối giáo dục toàn diện của Thánh Gia. Tập ngữ “Chúa Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan” chỉ về trí dục, tức là giáo dục về trí óc. Đây là việc truyền đạt các thứ kiến thức để giúp ích cho đời sống. Có kiến thức, có hiểu biết thì mới có thể kiếm việc làm để mưu sinh và tháo vát để sinh tồn trong mọi hoàn cảnh sống.

Tập ngữ “thêm cao lớn” chỉ về thể dục, tức là giáo dục cũng như mọi sự chăm sóc, nuôi dưỡng thể xác để có sức khỏe cũng như sự phát triển bình thường của con người.

Tập ngữ “thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta” nói đến giáo dục đức tin và đức dục. Giáo dục đức tin tức là giúp cho con trẻ nhận biết Chúa, thờ phượng Ngài và hằng luôn liên kết với Ngài. Giáo dục đức tin có thể thực hiện bằng nhiều cách như dạy giáo lý, khuyến khích con cái tham dự Thánh Lễ, đọc kinh và mọi việc thờ phượng khác. Trên hết mọi sự, gương sáng đức tin của cha mẹ là điều cốt yếu trong việc truyền đạt đức tin cho con em. Hai chữ “ân nghĩa” hàm ý sâu xa. Ân chỉ về ân huệ của Chúa mà ta đón nhận. Ân huệ Chúa luôn dồi dào để giúp ta sống. Do đó, ta cần bày tỏ lòng tri ân đối với Chúa. Nghĩa chỉ về nghĩa vụ hay bổn phận. Ta có bổn phận tôn thờ chúc tụng và tạ ơn Chúa. Vì là thụ tạo, lẽ công bình buộc ta phải tôn thờ Thiên Chúa. Vì là con cái Ngài, lẽ công bình cũng buộc ta tôn thờ và yêu mến Chúa. Bởi lẽ Ngài là nguồn gốc của tình yêu, sự sống và mọi điều thiện hảo.

Nếu ta gọi những gì liên hệ cách riêng đến Chúa là giáo dục đức tin, thì ta có thể gọi tất cả các cách liên hệ, đối xử giữa người với người là đức dục. Ta có thể gọi đức dục là giáo dục nhân bản, tức là dạy dỗ về tất cả những điều căn bản cho việc làm người. Chúa Giêsu được “thêm ân nghĩa trước mặt người ta”. Điều này cho thấy ngài có một nền đức dục tốt hảo, nên Ngài đối xử với tha nhân tốt đẹp.

Xét về ân, thì đức dục dạy cho con ta biết làm ơn cho người khác, nghĩa là làm việc bác ái. Mặt khác, ta cũng phải nhớ ơn và trả ơn tha nhân về những điều tốt đẹp ta đã đón nhận từ tha nhân. Xét về nghĩa, ta được dạy dỗ để có bổn phận đối với tha nhân. Ta có thể tự hỏi rằng bổn phận đó là bổn phận nào? Bổn phận đó tức là bổn phận thực thi công bình. Công bình đòi hỏi tôn trọng tất cả mọi quyền lợi của người khác. Nói một cách cụ thể và thiết thực, công bình đòi hỏi ta xử sự tế nhị và tôn trọng người khác, từ cách ăn nói đến việc mua bán cùng các sinh hoạt khác trong gia đình, trong gia tộc hay ngoài xã hội.

Thánh Gia đã nêu bật khuôn mẫu giáo dục toàn diện gồm bốn khía cạnh: trí dục, thể dục, giáo dục đức tin, và đức dục. Điều này nhắc nhở mọi gia đình Công Giáo suy nghĩ về đường lối giáo dục con cái. Hiện giờ, đại đa số các bậc phụ huynh thường có cái nhìn rất phiến diện về giáo dục. Họ chỉ nhấn mạnh đến việc học của con cái, sao cho con học giỏi điểm cao, lấy bằng cấp trong các ngành học nổi tiếng. Làm như thế, các bậc phụ huynh này chỉ muốn con mình có bằng cao, địa vị tốt và kiếm nhiều tiền. Nói như thế không có nghĩa là các vị phụ huynh vứt bỏ các khía cạnh về thể dục, đức tin và đức dục. Họ cũng giáo dục về các khía cạnh đó. Thể dục được chú trọng nhiều, nhưng đức tin và đức dục dường như chỉ ở mức độ sơ sài. Do đó, giáo dục gia đình thiếu sự cân bằng của bốn khía cạnh nêu trên.

Xét về khía cạnh trí dục, ta cũng thấy phiến diện, vì nhiều gia đình không chú trọng dạy con cái nấu ăn, đi chợ, làm các việc thường ngày trong gia đình. Cho nên, con cái có thể có bằng cấp cao nhưng lại quá vụng về trong việc nội trợ. Vì thế, ta cần phải có cái nhìn và lối hành xử toàn diện về việc giáo dục con cái. Đó là hướng đi để giúp ta đưa vào đời những người con vừa có tài vừa có đức, vừa biết làm việc nơi công sở cũng như trong gia đình, vừa biết lo việc lớn vừa biết chu toàn việc nhỏ. Những người như thế không những sống theo các đức tính nhân bản nhưng còn có một đức tin sâu xa để bước đi trên đường đời.

Ta hãy nhìn lên Thánh Gia để xin các Ngài ban ơn trợ giúp để ta biết khôn ngoan giáo dục con cái để đóng góp thực sự hữu hiệu vào Giáo Hội và xã hội. Bởi lẽ gia đình là tế bào của xã hội, và gia đình cũng là Giáo Hội thu nhỏ. Qua gia đình, văn hóa của xã hội và đức tin được truyền bá từ thế hệ này sang thế hệ khác mãi mãi cho đến khi thế giới được kiện toàn trong Nước Chúa.