Niềm Tin Phục Sinh

Chúa Nhật 32 Thường Niên, Năm C
Luca 20: 27-28

Anh chị em thân mến,

Vấn đề kẻ chết sống lại là một điều khúc mắc cho một số người. Đây là cái gai trong mắt của nhóm Xa-đốc, vì họ không tin vào sự phục sinh. Chính vì thế mà họ tranh luận với Chúa Giêsu. Nhưng qua việc này, Chúa đã trình bày rõ ràng giáo lý của Ngài về sự sống mai sau.

Nhóm Xa-đốc là nhóm tư tế trong giới lãnh đạo Do Thái thời Chúa Giêsu còn giảng dạy trên dương thế. Danh xưng Xa-đốc là tên của một tư tế thời Vua Đa-vít. Nhóm Xa-đốc chỉ chấp nhận Ngũ Thư, tức là năm cuốn sách đầu tiên của bộ Thánh Kinh: Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, và Đệ Nhị Luật. Họ chỉ chấp nhận những tư tưởng nào được tìm thấy trong Ngũ Thư mà thôi. Họ không tin vào sự sống lại, vì trong Ngũ Thư không ghi chép điều này.

Nhóm Xa-đốc cũng khó chịu khi thấy người khác suy nghĩ không giống họ. Vì thế họ mới tạo ra câu chuyện bảy anh em trai lần lượt lấy một người đàn bà để mong có con nối dõi tông đường. Cả bảy anh em và người đàn bà đều lần lượt qua đời. Vậy, khi kẻ chết sống lại, thì người đàn bà đó là vợ của ai? Đứng trước câu hỏi đó, Chúa không trả lời trực tiếp, vì đối với Chúa, câu hỏi đó cho thấy người Xa-đốc suy nghĩ nông cạn và sai lạc, bởi vì thế giới của sự sống lại sẽ khác với thế giới con người đang sống. Do đó, ta không thể đem kinh nghiệm, lối sống và tiêu chuẩn của thế giới này để áp dụng rập khuôn vào thế giới kia. Vì làm như thế, thì chỉ đi vào chỗ bế tắc mà thôi.

Theo giáo huấn của Chúa, ta thấy ở trần thế này, sự sống giới hạn, ai cũng phải chết. Vì thế, con người cần duy trì nòi giống để tiếp tục sự sống và thừa kế gia sản của mình. Ngược lại, trong thế giới phục sinh, cuộc sống có tính cách vĩnh cửu, thì không cần truyền giống nữa. Vả lại, họ giống như thiên thần, sống theo lối tinh thần, nên họ không cần đến vật chất nữa; gia sản vật chất trở thành thừa thãi và vô nghĩa.

Cách đặt vấn đề của nhóm Xa- đốc là lối suy bụng ta ra bụng người. Lối suy nghĩ này rất hạn hẹp, không chính xác và nhiều khi trái với thực tế, vì nó rất chủ quan, tức là ta lấy kinh nghiệm và lối suy nghĩ của mình để làm thước đo cuộc sống người khác. Trong cuộc sống hằng ngày, ta hãy coi chừng vì cái cám dỗ suy bụng ta ra bụng người là một cám dỗ triền miên. Đây cũng là cám dỗ về đức tin khi ta làm như thể Chúa phải hành động và suy nghĩ theo kiểu loài người. Không! Chúa vượt trên loài người nên Ngài hành động và suy nghĩ khác với loài người. Điều căn bản nhất của một tín hữu là xin cho mình được khám phá ra ý Chúa, chấp nhận ý Chúa và thực hiện ý Chúa, vì ý Chúa bao giờ cũng nhắm đến những điều thiện hảo cho loài người.

Qua đoạn văn nói rằng Abraham, Ixaác và Giacóp đang sống với Chúa, vì Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống, ta thấy một điểm then chốt của sự sống. Sống là kết hợp. Chết là phân ly, như hồn lìa khỏi xác. Hơn nữa, một xác chết cũng sẽ thối rữa, tan rã, chia ly. Tuy nhiên, ý nghĩa của sự sống không phải chỉ là kết hợp các phần của cơ thể thành một toàn bộ để làm nên sinh vật. Ý nghĩa của sự sống còn là việc kết hợp trong tình yêu. Cho nên, khi nói rằng Thiên Chúa là của Chúa của kẻ sống, thì có nghĩa là Ngài đang liên hệ trong tình yêu với những người đang sống với Ngài. Trong bối cảnh này, sự sống lại nhằm mục đích để sống trường sinh trong quan hệ yêu thương với Chúa và với nhau.

Suy nghĩ về sự sống lại để kết hợp với Chúa trong tình yêu giúp ta nhớ rằng chỉ những ai sống trong yêu thương mới phù hợp với thế giới của kẻ chết sống lại. Ngược lại, dù được phục sinh nhưng vẫn bị coi là chết vì tách lìa khỏi quan hệ yêu thương với Chúa đến muôn đời. Trong truyền thống đức tin của Giáo Hội, ta gọi điều này bằng nhiều từ ngữ như: chết đời đời, án phạt đời đời, sa hỏa ngục. Tất cả những từ ngữ này chỉ nói lên một điểm là tình trạng tách lìa khỏi quan hệ yêu thương với Chúa và với tha nhân.

Những điều vừa nói ở trên dẫn ta đến hy vọng sâu xa. Ta hy vọng rằng, dù cuộc sống trần thế sẽ chấm dứt bằng cái chết, nhưng ta không bị dồn vào ngõ cụt; ngược lại, ta sẽ đi vào cõi trường sinh. Vì thế, đời ta không phải là một chiếc thuyền vô định, nhưng là một cuộc lữ hành đi về thế giới viên mãn yêu thương. Ta cũng hy vọng rằng ta sẽ đoàn tụ với tất cả những người thân yêu quá cố của mình. Họ đã chết trước ta, nhưng họ sẽ cùng ta đoàn tụ trong thế giới mai sau. Ta còn hy vọng rằng, nếu trên trần thế này, ta chưa được đền bù xứng đáng với lối sống của ta, thì chắc chắn, theo lẽ công bình, Thiên Chúa sẽ đền bù thỏa đáng cho ta.

Niềm tin vào sự sống lại giúp ta sống an vui hơn. Còn kẻ không tin vào việc sống lại và sự sống đời sau sẽ phải đối diện với sự chết như là một ngõ cụt, bế tắc muôn trùng. Ta hãy xin cho mình có đức tin vững vàng và lòng mến sâu xa để ta sống an vui bây giờ và chuẩn bị cuộc sống trường sinh mai sau. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định với ta rằng Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Ngài, tất cả những ai đã qua đời trong ơn nghĩa Chúa đều đang sống với Ngài trong thế giới trường sinh.