Biến Hình Đổi Dạng

Chúa Nhật 2 Mùa Chay, Năm C

Đang lúc Đức Giêsu cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác (Lc 9:29).

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu thường có thói quen cầu nguyện. Ngài tìm đến chỗ hoang vắng yên tĩnh để sống nội tâm. Trước những sự việc quan trọng Ngài cầu nguyện. Trong Tin Mừng Chúa Nhật 2 Mùa Chay, thánh Luca trình bày việc Chúa lên núi cầu nguyện và đã biến đổi hình dạng khiến các môn đệ thân cận lấy làm vui sướng hạnh phúc.

Xét theo nhân tính, Chúa Giêsu cũng trải qua những lo âu khắc khoải như bất cứ ai. Tám ngày trước đó (Lc 9:28), Ngài đã loan báo cho các môn đệ biết về cuộc thương khó sắp đến. Ngài nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9:22). Trong hoàn cảnh căng thẳng phức tạp như thế, Ngài cần một khoảng thời gian yên tĩnh để lắng đọng tâm hồn và suy nghĩ về diễn tiến các sự việc trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Ngài.

Chúa đem theo ba môn đệ thân tín là Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi cầu nguyện. Đang khi cầu nguyện, thì Ngài biến đổi dung mạo. Sự biến đổi ngoại hình này là kết quả của một biến đổi nội tâm. Khi cầu nguyện, ngài có cơ hội liên kết với Môsê và Êlia. Hai vị này là đại biểu cho toàn bộ Cựu Ước. Mà Cựu Ước loan báo về những lời hứa của Chúa sẽ được Đấng Thiên Sai thực hiện. Cho nên, Môsê và Êlia đàm đạo với Chúa Giêsu là để hỗ trợ và khẳng định rằng cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu là con đường xác đáng phải được Ngài đi qua để hoàn tất việc cứu chuộc. Có thể nói Môsê và Êlia là ban tư vấn của Chúa Giêsu vào lúc này.

Được Môsê và Êlia hỗ trợ, Chúa Giêsu vững tâm. Hơn nữa, Ngài còn được liên kết sâu xa với Thiên Chúa Cha và được an ủi từ đó. Nói cách khác, qua việc liên kết mật thiết với Thiên Chúa Cha, Ngài được dẫn vào cảm nghiệm về chính bản chất thần linh của Ngài. Kết cuộc là Ngài cảm nếm sâu xa hạnh phúc của tình yêu Thiên Chúa, đồng thời cảm nếm trước vinh quang phục sinh. Một diễn biến từ khắc khoải lo âu sang bình an hạnh phúc đã xảy ra bên trong tâm hồn của Chúa và tràn trào ra bên ngoài. Tin Mừng Luca cho thấy cường độ của niềm hạnh phúc đó bằng những từ ngữ sống động. “Y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa” (Lc 9:29).

Niềm hạnh phúc của Chúa Giêsu biểu lộ qua cuộc hiển dung đã làm cho ba môn đệ thân tín vui sướng. Họ được chia sẻ hạnh phúc với Chúa. Thông thường là như thế, hạnh phúc sâu xa của một người lại làm cho người chung quanh được vui lây. Cho nên Ông Phêrô mới có ý dựng ba cái lều cho Chúa Giêsu, Môsê và Êlia để các Ngài ở lại trên núi, vì nơi đó quá hạnh phúc! Tuy nhiên, họ phải xuống núi và họ phải lắng nghe lời Chúa. Bởi vì Chúa Giêsu phải đi nốt đoạn đường còn lại của chương trình cứu độ. Các môn đệ cũng phải chia sẻ cuộc khổ nạn đó và sau này tiếp tục công việc rao giảng của Chúa Giêsu. Về sau, chính các môn đệ của Chúa Giêsu đã được biến đổi rất nhiều để can đảm trung thành với ơn gọi của mình cho đến giọt máu cuối cùng.

Như ba môn đệ tên núi kia, ta cũng được mời gọi để thay đổi con người và cuộc sống hầu nên giống Chúa hơn. Để có thể lắng nghe lời Chúa cách sâu xa, ta cần có thời giờ yên tĩnh cầu nguyện. Khung cảnh yên tĩnh bên ngoài chưa đủ, trí óc ta cũng cần yên tĩnh, thì mới có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa lời Chúa và đem ra thực hành. Ta cần bỏ những lo âu phiền muộn hay các dự tính mưu sinh qua một bên để lắng đọng tâm hồn.

Tác giả Noel Quesson kể câu chuyện về một ông già có kiến thức uyên bác. Ông học hành rất ít nhưng lại nổi tiếng hiểu rộng. Nhiều người tìm đến ông để bàn luận về những vấn đề cao siêu. Có một giáo sư nổi tiếng cũng đến thăm ông già. Vị giáo sư ngạc nhiên về kiến thức của ông già nên buột miệng hỏi: “Ông lấy những hiểu biết đó ở đâu ra vậy? Tôi không thấy cuốn sách nào viết như thế.” Ông già trả lời: “Hằng ngày, tôi đọc ba cuốn sách mà bất cứ ai cũng có thể đọc. Cuốn thứ nhất, là những việc Chúa làm quanh tôi. Cuốn thứ hai, là lương tâm của tôi. Và cuốn thứ ba, là Kinh Thánh.” Thật vậy. Những điều kỳ diệu do Chúa thực hiện luôn có sẵn chung quanh chúng ta, những nhắc nhở hướng thiện luôn vang lên trong lương tâm, và những lời lẽ khôn ngoan luôn tích chứa trong Kinh Thánh. Chỉ cần biết cùng thời giờ, trí óc và các giác quan để quan sát, suy nghĩ và học hỏi, thì dần dà ta sẽ khám phá nhiều điều điều khôn ngoan thâm thúy có ích lợi cho cuộc sống của mình và tha nhân.

Ta được nhắn nhủ là lắng nghe lời Chúa. Lời Chúa không chỉ lưu trữ trong Kinh Thánh, nhưng lời Ngài còn bàng bạc trong thế giới chung quanh ta và cả trong lương tâm của ta. Nếu ta thành tâm dành ra mỗi ngày một ít thời gian để liên kết với Chúa trong việc cầu nguyện, suy niệm Thánh Kinh, suy niệm về các việc xảy ra chhung quanh, và lắng nghe sự nhắc nhở của lương tâm, thì cuộc đời của ta sẽ biến đổi. Ta sẽ biến đổi trong nội tâm để tràn trào ra ngoài. Ta sẽ được hạnh phúc và làm cho những người chung quanh cũng được hưởng lây niềm hạnh phúc đó.