Bình An Của Chúa

Chúa Nhật 2 Phục Sinh

“Bình an cho anh em” (Ga 20:19)

Anh chị em thân mến,

Khi Chúa Giêsu bị bắt và bị hành quyết trên cây thập giá, thì các môn đệ của Ngài rơi vào khủng hoảng. Chính vì thế họ co cụm lại với nhau trong căn phòng nhỏ, đóng kín cửa, vì “sợ người Do Thái”(Ga 20:19). Trong cơn rối loạn và sợ hãi, thì Chúa Giêsu đã hiện ra và đem lại bình an cho họ. Từ đó họ nhận được sứ mạng đem bình an đến cho người khác.

Những người Do Thái được nhắc đến trong Tin Mừng Gioan không ai khác hơn là giới lãnh đạo Do Thái. Chính nhóm người này đã phác thảo kế hoạch bắt bớ, tra tấn, kết án và xử tử Chúa Giêsu. Họ đã trở thành mối đe dọa cho các môn đệ. Ngay cả dân chúng chung quanh cũng làm các môn đệ nghi ngờ lo âu, vì biết đâu dân chúng sẽ tố cáo họ là đồng bọn với Ngài? Kinh nghiệm của Phêrô còn sờ sờ trước mắt. Tại dinh Thượng Tế, Phêrô đã từng bị vạch mặt chỉ tên, và ông đã chối Chúa để thoát hiểm (Ga 18: 17.25-27). Nhưng sau đó, ông ra ngoài ăn năn khóc lóc vì tội bất trung của mình.

Trong lúc tâm hồn các môn đệ rối rắm như tơ vò, thì Chúa đến. Ngài nói với họ: “Bình an cho anh em” (Ga 20: 19). Lời nói ngắn ngủi của Ngài đã gỡ rối cho họ. Tâm hồn của họ trở nên bình an. Họ vui mừng vì được thấy Chúa. Lời Chúa phán ra đem lại tác dụng như lời sáng tạo. Nếu lúc khởi nguyên khung cảnh hỗn độn đã biến thành vũ trụ có trật tự bằng lời Chúa, thì bây giờ việc đem lại bình an cho các môn đệ cũng là một hành động sáng tạo của Chúa Giêsu Phục Sinh. Sau khi ban bình an cho các môn đệ, Chúa lại ban Thánh Thần, rồi sai họ đi rao giảng và ban phát ơn tha thứ nhân danh Ngài.

Ơn bình an của Chúa không chỉ dừng lại ở các môn đệ năm xưa, nhưng còn tiếp tục cho mọi người. Câu nói: “Bình an cho anh em” vẫn còn vang vọng với ta trong khung cảnh hôm nay, bởi vì mọi người đều cần bình an. Bình an luôn là điều kiện cần thiết để có niềm vui và hạnh phúc. Đây là một bộ ba gắn liền với nhau như bóng với hình. Vậy, ta tự hỏi phải làm sao để có bình an? Một trong những điểm quan trọng để cảm thấy bình an là được người khác chấp nhận và được thương mến. Ngược lại nếu ta cảm thấy bị ruồng bỏ, thì ta bất an vô cùng. Vì thế, một em bé được mẹ ẵm, thì cảm thấy bình an. Một người sắp chết mà cảm thấy được thương yêu, thì được an bình để ra đi. Nếu ta cảm thấy được Chúa thương mến, cảm thấy Ngài hiện diện trong đời mình, thì ta sẽ bình an. Do đó điều quan trọng là cảm nhận được Chúa hiện diện và tình thương của Ngài.

Ta có thể cảm nhận được Chúa hiện diện và yêu thương bằng cách suy nghĩ về những điều tốt lành xảy ra trong cuộc sống của mình. Đó là những ơn lành Chúa ban. Thông thường ta ít để ý đến những điều tốt, nhưng lại có khuynh hướng nhìn thấy những chuyện tiêu cực nhiều hơn. Ta phải nhìn nhận rằng một cuộc sống trôi chảy điều hòa đã là một hồng ân lớn lao rồi. Có ai muốn cuộc sống xáo trộn đâu? Cho nên việc suy nghĩ về những ơn lành của Chúa là điều quan trọng để thấy Chúa hiện diện và yêu thương ta. Ta hãy học theo Mẹ Maria về thói quen suy niệm những chuyện lớn nhỏ trong cuộc sống hằng ngày. Mẹ luôn để tâm quan sát và suy niệm trong lòng để từ đó Mẹ nhìn thấy Chúa trong cuộc đời của Mẹ. Chính Mẹ sống trong tình yêu bao la của Chúa. Nếu ta cảm nhận được rằng ta sống trong tình yêu bao la của Chúa, như ta sống trong không khí, như cá sống trong nước, thì ta sẽ có bình an sâu thẳm trong lòng mình.

Vì ta dễ bị phân tâm nhiều ngã, nên ta khó nhớ đến Chúa để cảm nhận về Ngài. Do đó ta cần nhờ đến khung cảnh xã hội để giúp ta ý thức về Chúa, cảm nhận về Chúa và liên kết với Chúa để có bình an. Khung cảnh xã hội ở đây chính là cộng đoàn đức tin. Chính các sinh hoạt của cộng đoàn đức tin giúp ta liên kết với Chúa. Các lễ nghi, các buổi phụng vụ, các buổi cầu nguyện đều là những sinh hoạt giúp ta đến với Chúa. Chính khi tham dự các sinh hoạt này, ta được nhắc nhở và kiện cường về việc Chúa hiện diện và tình yêu của Chúa trong đời ta.

Vì yếu đuối nên ta dễ dàng phạm tội. Chính tội lỗi đè nặng tâm hồn, khiến ta khó có bình an. Ở đây, Bí Tích Hòa Giải chính là cửa ngõ để ta trở lại trong mối quan hệ yêu thương với Chúa. Trong Bí Tích Hòa Giải, ta được Chúa tha thứ tội lỗi và được yêu thương. Như thế ta có bình an. Chính vì ơn tha thứ cần thiết để con người được hòa giải với Chúa, nên Chúa mới nhập thể để rao giảng và cứu chuộc bằng giá máu của Ngài. Cũng chính vì ơn tha thứ cần thiết để đem lại bình an, nên sau khi ban bình an cho các môn đệ, Ngài sai họ đi rao giảng và ban phát ơn tha thứ nhân danh Ngài. Theo Tin Mừng thì Ngài thổi hơi vào các môn đệ và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20;22).

Ta hãy cầu xin cho mình được cảm nghiệm lòng Chúa yêu thương trong cuộc sống. Ta cũng xin cho mình trở thành sứ giả của bình an. Mỗi lần ta chúc bình an trong Thánh Lễ, ta được nhắc nhở là làm sao xây dựng bình an trong gia đình và ngoài xã hội, bởi vì ta đón nhận bình an của Chúa và có sứ mạng đem bình an đó đến cho tha nhân.