Dấu Ấn Tình Yêu

Chúa Nhật 5 Phục Sinh, C
Gioan 13: 31-35

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy dấu hiệu. Chung quanh chúng ta là các bảng hiệu đủ loại, có mục đích cho chúng ta biết về sinh hoạt của các tổ chức. Đa số là bảng hiệu của các tổ chức kinh doanh. Hầu hết đều nhắm về lợi nhuận vật chất mà thôi. Giáo Hội cũng có dấu hiệu, nhưng mục đích của Giáo Hội không tìm kiếm vật chất mà là đưa con người đến ích lợi thiêng liêng, tức là đến với Chúa để đón nhận ơn cứu độ Ngài ban.

Tuy mục đích của Giáo Hội khác với những tổ chức thương mãi, chính trị, xã hội hoặc văn hóa, nhưng Giáo Hội cũng có những nét tương đồng trong phương cách sinh hoạt, vì Giáo Hội hiện diện trên trần gian để loan báo Tin Mừng cho người trần gian. Giáo Hội có danh xưng là Công Giáo, có dấu Thánh Giá để tuyên xưng đức tin. Nhưng dấu hiệu quan trọng nhất vẫn là yêu thương. Chính vì thế Chúa Giêsu Kitô mới nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:35).

Trước khi Chúa Giêsu Kitô rời xa các môn đệ để kinh qua cuộc khổ nạn và phục sinh, Ngài đã để lại cho các môn đệ một điều răn mới, tức là điều răn yêu thương. Trong Cựu Ước, ông Mô sê đã nhận muời điều răn để trao cho dân. Trong giao ước mới, Chúa Giêsu là Môsê mới, nên Ngài cũng trao cho các môn đệ một điều răn mới, tức là yêu thương như Ngài đã yêu thương họ. Ngài không hủy bỏ mười điều răn kia, nhhưng kiện toàn chúng với điều răn mới. Khi có lòng yêu thương hết lòng như Ngài, thì việc thực hiện mười điều răn kia sẽ hết lòng. Nó bắt nguồn từ gương yêu thương của Chúa Giêsu Kitô.

Nơi đây chúng ta thấy rằng cảm nghiệm được Chúa yêu thương là điều cần thiết. Bởi vì chúng ta có đón nhận tình yêu, thì chúng ta mới cho tình yêu. Không ai cho cái mà mình không có. Cho nên, các môn đệ đã nhận được tình yêu của Chúa, thì nay họ được nhắn nhủ là hãy yêu thương nhau. Có như vậy, thì tha nhân mới biết họ lả môn đệ Chúa. Rồi từ đó mới biết đến Chúa, và tin vào Chúa.

Thế giới hôm nay cần những chứng nhân. Người ta sống trong thế giới thực nghiệm. Mọi thứ đều phải được chứng minh, thì mới có sức thuyết phục. Tình yêu cũng vậy. Không thể chỉ có yêu bằng lời nói, nhưng phải yêu bằng hành động. Việc làm là bằng chứng cho tình yêu. Vì thế, tình yêu đối với nhau chính là dấu chỉ mình yêu Chúa và lắng nghe tiếng Chúa. Chúng ta cần có kiến thức về giáo lý về Thánh Kinh để trình bày cho người khác biết về đạo giáo của chúng ta. Kiến thức có thể tạo ra thích thú, nhưng chưa chắc có sức thuyết phục. Chỉ có tình yêu mới đủ khả năng làm rung động tâm hồn và cải hóa cuộc đời. Chỉ có tình yêu mới chứng minh thực sự cho kiến thức về đức tin của chúng ta. Thật vậy, biết giáo lý để làm gì? Biết Kinh Thánh để làm gì? Nếu không phải là để sống sao? Vì thế, kiến thức về giáo lý và Thánh Kinh nếu không được áp dụng vào đời sống để thực hiện yêu thương, thì chúng ta không thể rao giảng Tin Mừng và truyền bá đức tin.

Ngược lại, chỉ sống yêu thương mà không chịu học biết Chúa qua Thánh Kinh và giáo lý, thì chúng ta có thể bị lung lạc để yêu thương một cách mù quáng. Thực tế cho thấy, nhiều người đã hành động sai lầm vì họ yêu thương nhưng thiếu sự hiểu biết. Khi thiếu hiểu biết, chúng ta sẽ phán đoán nông cạn và hành động lệch lạc. Kết quả là hành động của chúng ta tuy có ý tốt nhưng lại gây ra những thiệt hại cho người đón nhận.

Yêu thương không giới hạn về việc làm. Không phải khi nào chúng ta góp phần vào những chương trình bác ái lớn lao, nổi đình nổi đám, thì mới thực sự yêu thương. Thực ra, yêu thương phải được thể hiện bất cứ lúc nào, ngay cả những việc nhỏ nhặt nhất. Nếu chúng ta đặt tình yêu vào tất cả mọi việc, thì bất cứ việc tốt nào dù nhỏ mọn đến đâu cũng đều có giá trị cao cả. Để có thể yêu thương hữu hiệu, cần phải có tư tưởng yêu thương trong tâm trí mình. Chính tư tưởng này là tư tưởng chủ chốt, là kim chỉ nam cho mọi hành động, thái độ và lời nói chúng ta. Nên biết rằng, tư tưởng của chúng ta có sức tác động lên cảm xúc của chúng ta, làm cho chúng ta vui hay buồn, tha thứ hay thù hận, chân thành hay mỉa mai, thẳng thắn hay quanh co. Vì lý do đó, nếu chúng ta có tư tưởng yêu thương thực sự làm chủ tâm trí chúng ta, thì chúng ta sẽ ân cần và quảng đại với mọi người, bất kể sang hèn.

Chúng ta không phải chỉ yêu tổng quát hay chỉ yêu thương những người ở ngoài xa. Nhưng điều quan trọng là chúng ta yêu thương nhau để tạo sự hiệp thông trong Giáo Hội, nhất là trong cộng đoàn hay trong giáo xứ chúng ta. Khi chúng ta yêu thương và hiệp thông thành một gia đình của Chúa tại địa phương của mình, chúng ta cho thiên hạ thấy rằng chúng ta là môn đệ của Chúa. Hơn nữa, chúng ta yêu thương trong cộng đoàn hay giáo xứ của mình, thì chúng ta mới có bằng chứng để thu hút người khác đến với Chúa. Các tín hữu trong thời sơ khai của Giáo Hội đã sống yêu thương và hiệp thông với nhau nên họ đã tạo được ảnh hưởng tốt trong xã hội, và như vậy họ đã hấp dẫn được những người chung quanh đón nhận Tin Mừng.

Hôm nay chúng ta cầu xin Chúa ban ơn thêm sức để chúng ta luôn quyết tâm xây dựng yêu thương hiệp thông trong gia đình, trong cộng đoàn, trong giáo xứ, để làm chứng cho Chúa Kitô và loan báo Tin Mừng cho tha nhân.