Thái Độ Tỉnh Thức

Chúa Nhật 19 Thường Niên, Năm C
Luca 12:32-48

Anh chị em thân mến,

Cuộc sống của người tín hữu là một cuộc lữ hành đi về Quê Trời. Vì thế, chúng ta thường được nhắc nhở để luôn tỉnh thức, để khỏi lạc hướng trong cuộc hành trình. Lời Chúa trong Tin Mừng Luca 12:32-48 xoay quanh chủ đề Chúa Giêsu quang lâm và thái độ tĩnh thức của người tín hữu.

Một trong những điều mà người tín hữu cần lưu ý là đừng để mình bị cuốn vào vật chất tiền bạc trần thế để rồi quên mất cùng đích của đời mình. Trong Tin Mừng Chúa Giêsu khuyên nhủ các môn đệ bán tài sản mà bố thí cho người nghèo. Hành vi bác ái này là để sắm cho mình kho tàng không mục nát ở trên trời. Kho tàng đó chính là Nước Chúa. Thực ra, chúng ta không thể nói chuyện mua bán với Chúa, bởi vì mọi sự đều do Chúa ban. Kho tàng Nước Trời cũng là tùy ý Chúa ban mà thôi. Về phía chúng ta, điều cần thiết là làm việc lành phúc đức để được Chúa ban thưởng Nước Trời.

Việc giúp đỡ cho người nghèo bằng hình thức này hay hình thức kia, tự mình giúp đỡ hay qua các cơ quan từ thiện, đều có ích lợi và ý nghĩa cho cuộc sống. Nó có ích lợi vì nó giúp chúng ta thoát ra khỏi cái khung  ích kỷ của mình để hướng đến tha nhân. Nó còn giúp chúng ta thoát khỏi ràng buộc của vật chất để hướng về Chúa và sống phó thác vào Ngài, như Mẹ Maria và các thánh. Nó có ý nghĩa vì bác ái là hành vi của tình yêu. Mà tình yêu chính là ý nghĩa, nền tảng và mục đích của cuộc sống.

Lời Chúa còn nhắc chúng ta tĩnh thức ngày đêm. Câu nói “thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn” gợi lên nhiều ý nghĩa. Thắt lưng để kéo áo lên cho gọn mà làm việc theo ý chủ. Đây là sự siêng năng chu toàn bổn phận của người quản gia hay người đầy tớ. Thắp đèn cho sẵn để nói lên rằng ban đêm cũng phải sẵn sàng thức để đón chủ về. Thực ra, Tin Mừng không có ý nói rằng ban đêm chúng ta đừng có ngủ. Những lời này chỉ muốn nói rằng chúng ta luôn phải có định hướng chắc chắn về Thiên Chúa là cùng đích của mình, để đừng bị mê muội trong sự quyến rũ của vật chất và mọi thứ thuộc về trần thế. Chúng ta đừng để  mình bị giáng xuống làm thân nô lệ cho vật chất, để rồi đánh mất Thiên Chúa, đánh mất chính mình và đánh mất tha nhân.

Chúa có thể dùng nhiều hình ảnh khác để diễn tả sự bất ngờ của việc Ngài đến. Nhưng Ngài chọn hình ảnh kẻ trộm để nhấn mạnh sự bất ngờ, vì hình ảnh này rất cụ thể và có tác dụng mạnh mẽ lên trí tưởng tượng của người nghe. Như thế, người nghe dễ hiểu ý Ngài hơn. Trộm cắp thường xảy ra, nhưng lại bất ngờ, vì kẻ trộm không báo trước ngày giờ và nơi chốn nó sẽ trộm cắp. Bởi vậy, tĩnh thức canh chừng là điều quan trọng. Tương tự như thế, Chúa cũng đến vào lúc chúng ta không ngờ. Chúng ta cũng không biết lúc nào mình sẽ từ giã cõi đời để ra trước tòa Chúa. Vì thế, chúng ta được nhắc nhở là hãy có thái độ tĩnh thức và chuẩn bị sẵn sàng để gặp Chúa.

Việc tỉnh thức không có nghĩa là thụ động chờ đợi như kẻ nằm chờ sung rụng. Ngược lại chúng ta phải hoạt động, phải làm việc để chu toàn trách nhiệm Chúa giao phó. Bởi vì mỗi người chúng ta đều là một quản gia trước mặt Thiên Chúa. Dĩ nhiên, mỗi người đều có nhiều trách nhiệm khác nhau, nhưng ở đây chúng ta có thể nêu ra năm trách nhiệm chính. Trước hết, mỗi người có trách nhiệm thánh hóa bản thân mình để sống phù hợp với ý Chúa. Mỗi người đều được Chúa ban những ơn lành hồn xác, những khả năng riêng để tổ chức cuộc sống  của mình. Vì thế, mỗi người đều có trách nhiệm sử dụng ơn Chúa cho nên.

Kế đến là trách nhiệm đối với gia đình. Mỗi người đều có bổn phận biến gia đình mình thành một cộng đoàn đức tin, một tiểu giáo hội, một nơi thờ phượng Chúa. Cha mẹ có bổn phận làm sao cho con cái mình được lớn lên trong đức tin để sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa. Bởi vì cha mẹ chính là thầy dạy đầu tiên và căn bản cho con cái trong đời sống đức tin.

Thứ ba, đó là bổn phận đối với cộng đoàn giáo xứ hay cộng đồng sắc tộc. Trong trường hợp của chúng ta, mỗi người đều có bổn phận đối với cộng đồng. Chúng ta là những quản gia trước mặt Chúa. Chúng ta cần phải biến cộng đồng này thành một đại gia đình của Thiên Chúa trong tình hiệp thông sâu xa, trong đức tin kiên vững, và trong niềm phó thác chân thành. Chúng ta đóng góp bằng lời cầu nguyện cho cộng đồng, bằng tài chánh, công sức, thời gian, bằng những lời lẽ tích cực hỗ trợ những người đang phục vụ trong các sinh hoạt của cộng đồng.
Thứ bốn, chúng ta đều có bổn phận đối với Giáo Hội. Khi nói đến Giáo Hội, chúng ta không chỉ dừng lại ở Giáo Hội Việt Nam. Bổn phận hàng đầu của chúng ta là Giáo Hội địa phương, tức là giáo phận ở nơi chúng ta đang sống. Chúng ta còn có bổn phận đối với Giáo Hội hoàn vũ. Chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội được thăng tiến để trở thành khí cụ hữu hiệu cho mọi người đến với Chúa và đón nhận ơn cứu độ. Song song với lời cầu nguyện, đời sống chúng ta cũng phải là những tấm gương sống động về tình yêu của Chúa ở giữ thế gian. Bởi vì, chứng tá đời sống bao giờ cũng hùng hồn hơn cả lời nói gấp nhiều lần.

Cuối cùng, chúng ta còn có bổn phận đối với xã hội. Chúng ta có bổn phận đem ánh sáng Tin Mừng chiếu giãi vào các nơi chốn của xã hội chúng ta đang sống. Bằng lời nói và hành động, chúng ta góp phần biến cải xã hội thành tốt hơn. Đó cũng là góp phần xây dựng Nước Chúa.

Tất cả mọi việc chúng ta làm, mọi lời chúng ta nói, và mọi suy nghĩ của chúng ta đều được phơi bày trước tòa Chúa khi chúng ta chấm dứt cuộc sống trần thế. Tin Mừng cho thấy chắc chắn sẽ có sự phán xét đối với mỗi người. Chúng ta đều phải giải thích về cuộc sống của mình trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta càng nhận ơn huệ nhiều, thì chúng ta càng có nhiều trách nhiệm trong việc sử dụng các ơn huệ ấy.

Xin cho chúng ta biết sống phù hợp ý Chúa để khi ra trước tòa Chúa chúng ta được hân hoan vì mình đã là những quản gia trung tín và khôn ngoan của Ngài.