Định Hướng

Chúa Nhật 2 Mùa Chay, Năm C
Lc 9:28-36

Anh chị em thân mến,

Tin Mừng hôm nay trình bày việc Chúa biến hình trên núi trước sự chứng kiến của ba môn đệ tâm phúc, Phêrô, Giacôbê và Gioan. Biến cố này tác động sâu xa lên chính Chúa Giêsu và các môn đệ. Vinh quang mà Chúa cảm nghiệm và các môn đệ được chia sẻ xảy ra như một nguồn an ủi và khích lệ cho Ngài và các ông.

Thánh Luca không nói rõ là Chúa Giêsu lên núi nào. Nhưng theo truyền thống thì đó là núi Tabo cách Nadarét sáu dặm về hướng đông. Ở trên núi, đang khi Chúa biến hình đổi dạng và trò chuyện với ông Môsê và Êlia, thì các môn đệ lại ngủ say. Họ cũng mê ngủ khi Chúa cầu nguyện trong vườn Cây ô liu trước giờ khổ nạn. Như thế, các môn đệ không chia sẻ được tâm sự của Chúa Giêsu vào những lúc căng thẳng nhất, phiền não nhất. Đó là một phần của sự yếu đuối và giới hạn của con người.

Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện là có lý do. Ngài vừa mới loan báo cho các môn đệ của Ngài biết về cuộc khổ nạn sắp tới. Chắc chắn Ngài cũng ưu tư rất nhiều, còn các môn đệ cũng hoang mang không kém. Họ theo Chúa là mong được quyền cao chức trọng trong vương quốc của Ngài. Như nhiều người Do thái đương thời, họ mang niềm hy vọng Thiên Sai. Thiên sai nghĩa là được Thiên Chúa sai đến, theo đó người Do thái hy vọng Thiên Chúa sẽ sai một Đấng Cứu Tinh đến để giải phóng dân tộc họ khỏi tay ngoại bang và làm cho họ trở nên một vương quốc hùng cường. Các môn đệ theo Chúa Giêsu cũng vì họ hy vọng rằng Ngài chính là Đấng Thiên Sai được Thiên Chúa phái đến để thực hiện giấc mộng đế vương đó. Nay họ nghe Chúa loan báo về cuộc khổ nạn, họ không tránh khỏi phiền não ưu tư. Bởi vậy, cuộc cầu nguyện và biến hình trên núi nhằm an ủi và khích lệ Chúa Giêsu cùng các môn đệ. Họ cần hiểu rằng tuy Chúa phải đi qua con đường thập giá, nhưng Ngài sẽ trỗi dậy trong vinh quang. Và các mộn đệ cũng chia sẻ vinh quang với Ngài.

Khi Chúa ở trên núi thì có ông Môsê và ông Êlia xuất hiện để nói chuyện với Chúa. Môsê đại diện cho lề luật, còn Êlia đại diện cho truyền thống ngôn sứ. Như thế hai ông đại diện cho Cựu Ước, tức là những lời hứa của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu thực hiện sẽ thực hiện những lời hứa đó để chu toàn chương trình cứu độ mà Thiên Chúa Cha đã vạch ra. Sự hiện diện của hai ông xác định rằng Chúa Giêsu đã bước đi đúng con đường Thiên Chúa muốn.

Việc Chúa Giêsu cầu nguyện và biến hình trên núi Tabo cho thấy cầu nguyện là điều cần thiết vì đây chính là lúc chúng ta đón nhận năng lực tinh thần để tiếp tục cuộc hành trình trên đường đời. Không phải chỉ khi nào có chuyện lớn chúng ta mới cầu nguyện. Chúng ta cần cầu nguyện thường xuyên để có được năng lực cho tâm hồn. Hơn nữa, nếu chúng ta cầu nguyện thường xuyên, thì cầu nguyện sẽ thành thói quen. Rồi khi có chuyện quan trọng, chúng ta sẽ dễ dàng nhớ đến cầu nguyện và cầu nguyện dễ dàng hơn.

Cầu nguyện giúp chúng ta nhìn lại con người và cuộc sống của mình. Trong khung cảnh cầu nguyện, tâm hồn chúng ta dần dà trầm lắng. Khi đó chúng ta sẽ bình tĩnh, sáng suốt để nhận định vấn đề và tìm ra cách giải quyết dưới ân sủng của Chúa. Văn hóa Á Đông có câu “nhất dạ sinh bá kế”, nghĩa là một đêm nảy sinh cả trăm (ngàn) phương cách. Tại sao không nói là ban ngày, mà lại nói ban đêm? Bởi vì khi màn đêm buông xuống, vạn vật đi vào yên tĩnh, nhờ đó tâm hồn dễ dàng tìm được yên tĩnh. Sự yên tĩnh gúp trí óc suy nghĩ sáng suốt để tìm ra những cách thức giải quyết vấn đề. Tương tự như thế, cầu nguyện không cần phải về đêm, nhưng là bất cứ lúc nào chúng ta dành ra thời giờ để lắng đọng tâm hồn trong sự hiện diện của Chúa. Khung cảnh yên tĩnh của buổi cầu nguyện tạo cơ hội cho chúng ta nhìn vào con người và cuộc sống mình.

Chúa Giêsu biến hình trên núi giúp Ngài và các môn đệ cảm nghiệm vinh quang và niềm vui. Cảm nghiệm vui thú này sẽ giúp họ kiên trì trong thử thách tương lai. Họ sẽ nhớ lại vinh quang lúc này để không bỏ cuộc khi phải đối diện với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Không ai có thể can đảm nếu không được khích lệ bằng những cảm nghiệm phấn khởi sâu xa trong quá khứ. Chính vì thế, có một câu định nghĩa về tự tin như sau: “Tự tin là nhớ lại thành công đã qua.” Thành công là một thứ vinh quang, một cảm nghiệm vui thú, phấn khởi, nhờ đó chúng ta được khích lệ để can đảm và kiên trì vượt qua gian khổ trước mắt.

Trong cuộc sống chúng ta, Thiên Chúa ban phát rất nhiều ơn lành. Nếu chúng ta biết suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy vui thú lắm, vì biết rằng mình luôn sống trong đại dương ân sủng dư tràn. Chỉ cần mỗi ngày nhớ lại một điều tốt xảy đến trong đời sống, thì chúng ta cũng cảm nghiệm được niềm vui ngày đó và có sức mạnh tinh thần để đối diện với những trách nhiệm và thách đố hằng ngày. Những niềm vui, những cảm nghiệm hạnh phúc trong đời sống chính là những cảm nghiệm vinh quang và biến hình trong cuộc đời chúng ta. Mỗi khi chúng ta vui, thì chắc chắn tâm hồn và khuôn mặt của chúng ta biến đổi để toát ra niềm vui đó. Bởi vậy, chúng ta cần bắt chước Mẹ Maria để suy nghĩ về cuộc sống. Chính Mẹ rất vui sướng vì Mẹ cảm nghiệm được ân sủng đầy tràn của Chúa qua các biến cố trong cuộc đời sống hằng ngày của Mẹ.

Việc Chúa biến hình giúp chúng ta siêng năng cầu nguyện và luôn chạy đến cùng Chúa những khi gặp phải thách đố quan trọng. Khi cầu nguyện như thế, chúng ta sẽ nhớ lại được những ân sủng, những thành công, những niềm vui đã qua để mạnh dạn tiến bước vào tương lai. Chúng ta sẽ thấy rằng Chúa luôn quan phòng để giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách trên đời. Xin cho chúng ta trân trọng những giây phút cầu nguyện để liên kết với Chúa, để nhận rõ con người của mình và để định hướng cuộc sống và sinh hoạt của mình.