Thiên Chúa Viếng Thăm

Chúa Nhật 31 Thường Niên, C
Luca 19:1-10

Anh chị em thân mến,

Những người thu thuế trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu thường bị coi là những kẻ tội lỗi. Họ bị người ta xa lánh, nên cuộc sống của họ cũng không mấy an vui. Bởi đó, việc Chúa Giêsu tìm đến họ là điều quan trọng, vì sự quan tâm của Ngài đem lại cho họ niềm an vui hạnh phúc.

Những người thu thuế bị xã hội khai trừ, dân chúng Do Thái khinh ghét, ít nhất là vì hai lý do.Thứ nhất, theo luật lệ chính phủ  Roma, những người thu thuế phải thu đủ số thuế ấn định. Nhưng thường thì họ thu thuế hơn số ấn định để kiếm chác cho túi tiền riêng tư của mình. Họ bóc lột dân chúng bằng cách đó, nên dân chúng oán ghét. Thứ hai, họ là những người cộng tác với chính phủ Roma, tức là chính phủ ngoại bang để đô hộ dân Do Thái. Việc hợp tác này khiến họ bị quy kết là người phản quốc.

Ông Dakêu trong Tin Mừng Luca 19:1-10 cũng bị khai trừ vì ông là thủ lãnh của ban thu thuế địa phương tại thành Giêrikhô. Ông giàu có nhưng lại bị người chungquanh xa lánh, vì ông bị khép vào hạng người tội lỗi. Cũng vì thế mà ông muốn biết Chúa Giêsu là ai, khi Ngài đi qua nơi chốn của ông. Chắc chắn ông đã nghe biết về lòng nhân hậu của Chúa, về việc Chúa hay tìm đến những người tội lỗi, những kẻ bị xô giạt ra ngoài lề xã hội. Ông khao khát được Chúa viếng thăm và chấp nhận ông.

Lẽ ra ông không nên trèo lên cây sung, vì đó là hành vi của trẻ con, không xứng hợp với địa vị của ông. Nhưng lòng khao khát gặp Chúa khiến ông bất chấp quy ước xã hội. Ông chỉ muốn được thấy Chúa mà thôi. Lòng khao khát của ông được Chúa lấp đầy. Ông chưa kịp mở miệng nài xin, thì Chúa đã đi bước trước. Ngài ngỏ lời muốn viếng thăm nhà ông. Ngài ân cần nhìn lên Dakêu đang ở trên cây sung và nói: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19:5). Cách đối xử của Chúa Giêsu khiến ông Dakêu cảm động và ông đổi đời. Ông hứa sẽ đem nửa số tài sản của ông mà cho người nghèo. Ông cũng sẽ đền lại gấp bốn những gì ông lấy của người khác (Lc 19:8).

Tin Mừng không trình bày việc ông Dakêu có thực hiện lời hứa hay không, nhưng cứ theo hoàn cảnh câu chuyện, chúng ta có thể tin rằng ông thực hiện điều ông đã hứa. Ông đã thề hứa công khai trước mặt mọi người thì ông khó nuốt lời. Hơn nữa, ông đã từng có kinh nghiệm bị coi khinh, nên ông cũng sẽ không muốn bị coi khinh thêm nữa. Vả lại, nếu ông thực thi lời hứa bằng cách giúp đỡ người nghèo, và đền lại gấp bốn những gì ông lấy của người khác, thì chắc chắn ông sẽ được mọi người quý mến. Ông sẽ sống an vui hơn. Cuộc đời của ông sẽ có ý nghĩa hơn.

Câu chuyện về ông Dakêu cũng giúp chúng ta suy nghĩ về cuộc sống của mình. Nhờ được gặp Chúa Giêsu nên ông Dakêu đổi đời. Tiếp xúc với Chúa, chúng ta chỉ có hai đường: hoặc theo Chúa và thay đổi cuộc sống, hoặc từ chối Ngài. Chọn thái độ trung lập thì có nghĩa là không theo Ngài. Khi chúng ta mở lòng ra với Chúa, chúng ta sẽ được ơn Chúa phù trợ. Chúng ta được uốn nắn, khích lệ, thôi thúc bởi lời Ngài để chúng ta thăng tiến bản thân mình.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Gần Chúa chúng ta sẽ được soi sáng, vì Chúa là ánh sáng thế gian, và lời Ngài là đèn giọi bước chân chúng ta. Kinh nghiệm cho thấy, những tín hữu nào đã lập gia đình mà siêng năng đến nhà thờ, tham dự Thánh Lễ, chịu các Bí Tích, đọc kinh cầu nguyện, thì những người đó có nhiều cơ hội và có sức mạnh của ý chí để vượt qua khó khăn mà kiên vững trong hôn nhân gia đình. Những người khác không lập gia đình hoặc chưa lập gia đình vẫn nhận được ơn Chúa để thăng tiến bản thân như những người sống đời hôn nhân. Ơn Chúa vẫn tuôn đổ không ngừng. Ai đến với Chúa, thì sẽ được ơn thánh của Ngài sẽ thanh luyện và bồi bổđem lại lợi ích cho bản thân mình, gia đình mình và những người chung quanh.

Thông thường, người ta có khuynh hướng phân loại cho mọi sự, kể cả con người. Sự phân loại tổng quát là phân loại tốt và xấu. Tùy theo tiêu chuẩn của mỗi người và mỗi văn hóa mà tốt xấu được định nghĩa. Người ta chọn tốt và loại bỏ cái xấu. Cũng thế, người Pharisêu chọn những người tốt theo quan điểm của họ và văn hóa Do Thái đương thời. Chỉ những người công chính tức là những kẻ chu toàn các lề luật mới đáng cho họ gần gũi, kết bạn. Còn những người tội lỗi như thu thuế và gái điếm, thì họ tránh xa. Tuy giàu có nhưng ông Dakêu bị coi là người tội lỗi, là người xấu nên ông bị khai trừ. Người ta không cho ông cơ hội hoán cải để trở nên người tốt. Chỉ khi được Chúa Giêsu quan tâm, ông mới có cơ hội làm lại cuộc đời.

Chúng ta không tránh khỏi khuynh hướng phân loại, nhưng xin cho chúng ta biết học theo Chúa Giêsu để vượt lên khỏi thành kiến mà đến với nhau. Ngoại trừ những hoàn cảnh nguy hiểm, bình thường nếu chúng ta vượt qua những ngăn cách do khuynh hướng phân loại tốt xấu, chúng ta sẽ cho người khác cơ hội thay đổi cuộc đời để sống tốt hơn.

Xin cho chúng ta luôn gần gũi Chúa để đổi đời như ông Dakêu. Xin cho chúng ta cũng bắt chước Chúa để biết quảng đại với tha nhân.