Trả Cho Xê-Da Và Trả Cho Chúa

Chúa Nhật 29 Thường Niên, Năm A

Anh chị em thân mến,

Tin Mừng hôm nay cho thấy sự khôn khéo của Chúa Giêsu trong việc đối đáp với người Pharisêu. Họ muốn dùng vấn đề nộp thuế để gài bẫy làm hại Đức Chúa Giêsu. Nhưng cách giải quyết vấn đề của Ngài không những giúp Ngài thoát hiểm mà còn để lại cho ta một giáo huấn quan trọng cho đời sống.

Sau nhiều lần công kích phê bình Chúa Giêsu, nay người Pharisêu muốn làm hại Chúa Giêsu. Họ hỏi ý Ngài là có nên nộp thuế cho hoàng đế Rô-ma là Xê-da không. Nếu Ngài nói là không nộp thuế, thì Ngài sẽ bị ghép vào tội phản động, chống lại nhà cầm quyền Rô-ma. Ngược lại, nếu cho là nên nộp thuế, thì Chúa Giêsu sẽ bị người ta coi là kẻ phản quốc, cấu kết với chính quyền ngoại bang. Đây là một mưu kế hiểm độc, cố ý dồn Ngài vào một tình trạng lưỡng đầu thọ địch, tới cũng chết mà lui cũng không xong.

Chúa Giêsu biết rõ lòng dạ gian trá của nhóm người này, nên Ngài không trực tiếp trả lời câu hỏi. Ngài bảo họ đưa ra một đồng bạc. Trên đó có hình người và danh hiệu. Ngài mới hỏi họ về hình người và danh hiệu chỉ về ai. Chính họ phải trả lời là của Xê-da. Ngài mới phán: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.

Khi trả lời như trên, Chúa Giêsu cho thấy trong cuộc sống của con người, không phải lúc nào cũng chỉ có hai đường mà ta phải chọn một. Cuộc sống đa dạng. Con người có bổn phận trong nhiều phạm vi. Để có thể có một cuộc sống tốt đẹp, con người cần nắm vững ý niệm công bình trong cuộc sống của mình. Nhờ vào việc thấu suốt và thực thi trọn vẹn ý niệm công bình, ta sẽ có cuộc sống cân bằng và hạnh phúc.

Công bình là trả lại cho kẻ khác cái phần thuộc về sở hữu của họ. Công bình khác với bác ái, vì bác ái là cho đi một phần thuộc quyền sở hữu của ta. Còn công bình thì không phải là ta cho, nhưng là ta trả lại cho kẻ khác nếu ta lấy của họ. Ta để cho họ có cơ hội sử dụng những gì là của họ. Xét như thế, công bình đòi buộc ta phải nộp thuế cho chính phủ của xã hội ta đang sống. Lý do là vì chính phủ cần tài chánh để tổ chức tất cả các tiện ích chung cho mọi người sử dụng, trong đó có ta và gia đình ta. Nhà thương, trường học, đường sá, thư viện, khu vực giải trí, công viên, các dịch vụ bảo vệ an ninh... là một số thí dụ điển hình cho việc chi tiêu của tiền thuế.

Về phương diện khác, công bình đòi buộc ta trả lại cho Chúa những gì thuộc về Chúa. Vì tất cả mọi sự thuộc về Chúa, nên việc trả cho chúa khác hơn việc nộp thuế hay trả nợ cho người hàng xóm. Trong tư cách tạo vật và đồng thời là kẻ nhận ơn, ta trả cho Chúa bằng thái độ cảm tạ và ngợi khen. Thái độ chưa đủ, vì thái độ là tình trạng của tâm hồn ta đối với Chúa. Ta cần bày tỏ thái độ đó ra ngoài bằng hành động, vì ta sống không phải chỉ bằng cảm nhận bên trong, nhưng còn qua biểu lộ bên ngoài nữa.

Đối với người tín hữu thì hành động bên ngoài là hành động thờ phượng. Thánh Lễ là một hành động tuyệt hảo để tỏ lòng tri ân và ngợi khen Chúa. Do đó việc dự lễ không phải chỉ vì Giáo Luật bắt buộc, nhưng chính vì lẽ công bình thôi thúc ta. Công bình thuộc về bản chất của sinh vật có lý trí. Con người có lý trí, cho nên việc thờ phượng Chúa làm cho con người sống đúng bản chất và phẩm giá của mình. Ngoài việc tham dự Thánh Lễ, các việc thờ phượng khác như đọc kinh lần hạt, chầu Thánh Thể, suy niệm... đều là những phương thế sống đức công bình đối với Chúa.

Công bình không phải chỉ chừng đó. Nhưng trong nhiều phạm vi đời sống, ta cũng cần phân chia thời gian, khả năng, sức lực và của cải một cách xứng hợp thì mới tạo được mức cân bằng và hài hòa cho cuộc sống. Do đó chỉ lo việc nhà thờ mà bỏ bê việc nhà là thiếu công bình. Ngược lại chỉ lo việc nhà mà không dành ra một phần thời gian hay khả năng để phục vụ nhà thờ thì cũng mất thăng bằng. Ta có thể nêu ra rất nhiều phạm vi của đời sống cần được đáp ứng để tạo thăng bằng và hài hòa.

Khi xét đến ý niệm công bình như trên, ta hãy xem cuộc sống mình đã được tổ chức như thế nào. Ta xét xem mình đã sống công bình tới mức nào. Xin cho ta biết dùng thời giờ, khả năng, sức lực và tiền của cách xứng hợp để sống công bình. Chỉ có công bình mới có thể làm cho ta thực sự sống yêu thương và sống hài hòa với Chúa và với nhau.