Đức Tin Phục Sinh

Chúa Nhật 2 Phục Sinh, Năm A

Anh chị em thân mến,

Tin Mừng của Chúa Nhật thứ hai Mùa Phục Sinh mô tả một tiến trình thay đổi từ không tin đến có lòng tin. Chính việc này đem đến kết quả là mạnh dạn lên đường truyền bá Tin Mừng.

Sau khi Chúa Giêsu tử nạn, các môn đệ lâm vào tình trạng hoang mang. Họ sợ hãi. Họ lo âu cho sự an nguy của chính mình và gia đình. Thầy của họ đã bị chính quyền đương thời kết án. Họ cũng có thể bị bắt và kết vào tội tòng phạm. Do đó họ phải tụ lại với nhau trong căn nhà đóng kín. Trong tình trạng đó, họ chỉ có thể tin vào nhau thôi. Còn ngoài kia thì bất cứ ai cũng có thể chỉ điểm hay tố cáo họ cho chính quyền địa phương.

Trong lúc hoang mang, đen tối như thế, Chúa Giêsu hiện đến và ban bình an cho họ. Không cần phải nói. Nội sự xuất hiện của Ngài ở giữa họ đã là nguồn an ủi lớn lao. Có ai mà không vui mừng khi gặp lại người thân. Có ai mà không thích thú khi biết rằng người thân coi như đã chết mà nay lại sống. Họ không còn sợ hãi nữa. Niềm tin của họ được tái lập. Họ đã cảm nghiệm được sức mạnh và bình an từ Đấng Phục Sinh. Từ chỗ tối tăm, hoang mang, thiếu niềm tin, các môn đệ đã được dẫn vào niềm tin nơi Chúa, tin vào chính mình và mạnh dạn lên đường làm chứng cho Chúa. Riêng ông Tôma đòi cho được bằng chứng mới tin. Ông đã tin vì đã thấy tận mắt các vết tích trên người Thầy mình. Tôma cũng đi từ hoài nghi đến đức tin.

Khi nói đến việc tin tưởng, con người ngày hôm nay cũng luôn đòi cho được bằng chứng mới tin. Điều đó dễ hiểu, bởi vì chuyện xảy ra do kẻ khác kể lại có thể không đúng sự thật vì người kể lại không biết rõ hay ngụy tạo câu chuyện. Ngược lại, cho dù có đủ bằng chứng thì chưa chắc người ta đã tin, bởi vì người ta không thấy cần thiết hay vì người ta không có thiện cảm với người tường thuật. Do đó việc tin tưởng không phải chỉ dựa vào bằng chứng nhưng còn dựa vào mối liên hệ giữa người tin và người cung cấp điều nên tin. Các môn đệ tin tưởng vì họ có mối liên hệ với Chúa. Họ tin tưởng vì kinh nghiệm quá khứ cho thấy Chúa luôn trung thành với lời của Ngài.

Là người Kitô hữu, ta cũng cầu xin cho mình có được niềm tin như thế. Tuy nhiên niềm tin của mỗi người không đứng yên ở một trạng thái hay cấp độ. Có khi ta phấn khởi hăng say, lòng tràn ngập niềm tin. Có khi ta thấy tâm hồn như đi vào mồ đá tối tăm. Ta cảm thấy Chúa im lặng. Ta cảm thấy mình nguội lạnh, thiếu đức tin hay mất đức tin. Ta muốn Chúa ban cho mình đức tin. Có khi nghịch cảnh xảy đến làm ta chán ngán. Ta cảm thấy mình bị Chúa lừa bịp. Biết bao năm qua, ta tin vào Chúa, ta làm việc lành, ta siêng năng đọc kinh cầu nguyện, ta làm phúc bố thí, ta hy sinh phục vụ. Thế mà bây giờ lại phải gánh chịu bệnh hoạn liệt giường, hoặc con cái hư hỏng, hoặc người thân phản bội, hoặc sự nghiệp tiêu tan... Hoàn cảnh như thế làm ta không còn muốn tin tưởng gì cả. Thực ra, những lúc như thế, đức tin còn cần thiết hơn bao giờ hết, bởi vì chỉ có đức tin mới đem đến cho ta sức mạnh để vươn lên.

Để có thể có một đức tin vững mạnh cho cuộc sống, ta cần lưu ý tới nhiều yếu tố. Cầu nguyện luôn là một trong những điểm cơ bản để nuôi dưỡng đức tin. Cầu nguyện là một thứ dưỡng khí tinh thần để kiện cường đức tin. Thái độ kiên trì cũng là yếu tố cần thiết. Cho dù không cảm thấy sốt sắng hay hy vọng, ta luôn cần kiên trì. Chúa sẽ ban ơn tùy theo thời buổi của Ngài. Các tông đồ cũng phải chờ đợi và Chúa hiện đến khi tới lúc của Ngài. Làm việc lành, siêng năng tham dự các buổi phụng vụ cũng giúp cho đức tin, vì đức tin cần việc làm để sống còn. Một điểm khác là thông thường, hễ gặp khó khăn hay tai ương, ta thường chỉ biết đau khổ mà không thấy những gì tốt đẹp chung quanh. Chính cái nhìn thiển cận và chật hẹp đó làm ta không thấy Chúa hiện diện với mình. Ta cần nhìn lại những gì tốt đẹp ở trong đời mình để thấy rằng ơn Chúa vẫn đến dù có khi mình không nhìn thấy. Có như thế ta mới thấy rằng Chúa không bỏ rơi mình.

Xin cho ta được vững mạnh trong đức tin để vui sống. Xin cho ta nhận ra sự hiện diện quan phòng của Chúa trong đời mình, khi mạnh khỏe cũng như lúc bệnh hoạn, khi vui cũng như khi buồn. Có như vậy thì ta mới chiếu giải hy vọng lên thế giới chung quanh.