Vững Tin Vào Chúa

Chúa Nhật 19 Thường Niên, Năm A
Mt 14:22-23

Anh chị em thân mến,

Một điều khác lạ trong đoạn Tin Mừng hôm nay là Chúa Giêsu bắt các môn đệ chèo thuyền qua bờ bên kia trước trong khi Chúa giải tán đám đông. Tin Mừng của thánh Mátthêu, Máccô và Luca không nói lý do, nhưng Tin Mừng Gioan cho biết sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng muốn tôn Ngài làm vua (Ga 6:15). Ngài không muốn điều này và cũng không muốn các môn đệ bị cuốn hút vào hành động của dân chúng. Dân chúng thời Chúa Giêsu cũng như các môn đệ Ngài đều mang một niềm hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ sai đến một đấng Cứu Tinh để giải thoát dân tộc họ ra khỏi ách đô hộ của Rôma và làm cho đất nước họ trở nên hùng cường thịnh trị.

Niềm hy vọng về một vị cứu tinh như thế được gọi là niềm hy vọng Thiên Sai. Niềm hy vọng này không phù hợp với ý Chúa Giêsu vì Ngài không muốn cứu độ nhân loại bằng con đường chính trị như vua chúa trần gian. Cũng vì thế mà sau này khi bị xứ án, Chúa Giêsu đã khẳng định trước mặt quan Philatô là nước Ngài không thuộc về thế gian này (Ga 18:36).

Việc Chúa Giêsu giải tán dân chúng và bảo các môn đệ chèo thuyền qua bờ hồ bên kia là dịp để Ngài có thời gian lên núi cầu nguyện một mình. Xét về phương diện nhập thể, trong thân phận làm người, Ngài cần thời gian này để suy nghĩ về hoạt động của mình. Biến cố Gioan Tẩy Giả bị giết vẫn còn in dấu trong tâm tư Ngài. Căng thẳng với giới lãnh đạo Do Thái vẫn luôn tiếp diễn. Sự phấn khởi của dân chúng cũng là điều đáng ngại, vì họ chỉ suy nghĩ theo chiều hướng chính trị. Bởi vậy, Chúa Giêsu cần thời gian yên tĩnh để kết hợp với Thiên Chúa Cha nhận chân hướng đi của mình.

Vào canh tư, Chúa Giêsu đi trên mặt nước của biển hồ Galilê mà đến với các môn đệ. Người Do Thái cũng như người Rôma chia thời gian như sau. Ban ngày chia làm 12 giờ, tính từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Vậy 6g00 sáng đến 7g00 sáng là giờ thứ nhất và 5g00 chiều đến 6g00 chiều là giờ thứ 12. Còn ban đêm chia làm 4 canh. Canh một từ 6 giờ chiều cho đến 9 giờ tối, canh hai từ 9 giờ tối đến 12 giờ khuya, canh ba từ 12 giờ khuya đến 3 giờ sáng, và canh tư từ 3 giờ sáng đến 6 giờ sáng. Vậy Chúa Giêsu đến với các môn đệ trong khoảng từ 3 giờ sáng đến sáu giờ sáng.

Khi nhìn thấy Chúa đi trên mặt nước mà đến, các môn đệ sợ hãi vì tưởng là ma. Nhưng Chúa Giêsu trấn an họ và bảo chính là Ngài. Phêrô không tin, nên ông cần thêm dấu lạ để chứng minh lời nói của Chúa. Chúa cho ông đi trên mặt nước mà đến. Khi ông nhìn thẳng vào Chúa ông đi được, nhưng khi gió lớn, ông quay mặt khỏi Chúa, thì ông liền chìm xuống. Ông sợ hãi kêu xin và Chúa đã nắm lấy ông và đưa ông trở lại thuyền.

Đoạn Tin Mừng này giúp chúng ta một vài suy nghĩ để áp dụng vào đời sống của mình và của Giáo Hội. Điều đầu tiên là việc xác định thiên tính của Chúa Giêsu. Điều này cần thiết vì nó giúp củng cố và tăng thêm đức tin cho các môn đệ. Họ theo Ngài chưa lâu, nên đức tin của họ cần được thanh luyện khỏi những tư tưởng phàm tục và cần được tăng cường. Chúa Giêsu cho họ thấy rằng Ngài là Chúa Tể càn khôn vì Ngài có quyền năng dẹp yên sóng gió. Ngài có khả năng phi thường để lướt đi trên mặt nước. Trong quan niệm thời xưa, nước là nơi chứa đựng thế lực ác thần, gây ra tai ương khốn khó cho loài người. Chúa Giêsu đi trên mặt nước cho thấy rằng Ngài có quyền năng để chiến thắng sự dữ.

Điều thứ hai liên quan đến Giáo Hội. Theo truyền thống của Giáo Hội, chiếc thuyền tượng trưng cho Giáo Hội. Dù gặp phong ba bão táp, dù phải chịu nhiều khốn khó, Giáo Hội vẫn có Chúa hiện diện để nâng đỡ, như Ngài đã hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Ngày nay, chúng ta thấy Giáo Hội gặp nhiều khó khăn từ bên ngoài cũng như từ bên trong. Về phía bên ngoài, có những thế lực, những trào lưu tư tưởng luôn nhằm công kích Giáo Hội, vì sự hiện diện của Giáo Hội luôn là mối đe doạ hoặc chướng ngại cho hành động của họ. Điều này cũng không lạ, vì chính Chúa Giêsu rao giảng đường lối công chính, nhưng cũng bị chống đối, rồi bị xử chết. Lý do là vì đường lối của Chúa đe dọa hoặc làm trở ngại cho hành động của các nhóm đối nghịch. Chúa Giêsu đã từng nói: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.” (Ga 15:18).

Về phía bên trong, Giáo Hội gặp khốn khó, vì một số phần tử của Giáo Hội hành động không phù hợp với giáo huấn của Chúa, nên đã làm gương xấu và làm hại danh tiếng của Giáo Hội. Tuy Giáo Hội gặp khó khăn, nhưng chúng ta không bi quan. Chúng ta vẫn vững tin vì có Chúa hiện diện để nâng đỡ và hướng dẫn Giáo Hội. Hơn nữa, khó khăn cũng là dịp để Giáo Hội thanh luyện chính mình cho tinh tuyền hơn như lòng Chúa Giêsu mong muốn.

Điều thứ ba, cuộc sống như biển cả, có khi êm ả nhưng cũng có lúc sóng gió nổi lên. Chúng ta không hiểu hết nguyên nhân của những rắc rối trên đời, tuy nhiên đức tin giúp chúng ta sống hy vọng và hạnh phúc vì có Chúa phù trợ. Có khi Chúa ban ơn giúp đỡ để qua người này người kia, chúng ta giải quyết được những khó khăn của mình. Có khi chúng ta không giải quyết được khó khăn như mình mong muốn, nhưng Chúa ban ơn để chúng ta can đảm chấp nhận. Ngay cả Chúa Giêsu cũng đi qua con đường thập giá, mặc dầu trong thân phận làm người, Ngài muốn tránh đau khổ. Nhưng cuối cùng Ngài chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa Cha.

Mặc dầu chúng ta không đi tìm đau khổ, và Chúa cũng không muốn chúng ta đau khổ, nhưng đau khổ vẫn không phải là chuyện hoàn toàn đen tối hay hoàn toàn tuyệt vọng. Bởi lẽ, chính Chúa có khả năng làm phát sinh những điều tốt lành từ đau khổ của chúng ta. Hơn nữa đau khổ còn giúp chúng ta khiêm nhường, quảng đại, và biết nhìn lại cuộc sống và xếp đặt thứ tự ưu tiên của sinh hoạt hằng ngày. Chúng ta cầu xin cho mình được luôn xác tín vào sự hiện diện của Thiên Chúa, tình yêu quan phòng của Chúa và quyền năng của Ngài trong Giáo Hội cũng như trong cuộc đời chúng ta.