Trả Lời Cho Niềm Hy Vọng

Chúa Nhật 6 Phục Sinh, Năm A
Ga 14: 15-21

Anh chị em thân mến,

Thánh Phêrô nhắn nhủ các tín hữu trong cộng đoàn của ngài như sau: “Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vất về niềm hy vọng của anh em”(1Pr 3:15b). Lời nói của thánh nhân nhắm đến việc cảm nghiệm và hiểu biết về đức tin của mình, bởi vì niềm hy vọng mà thánh nhân nhắm tới chính là niềm hy vọng đến từ đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Bởi vậy, mỗi người tín hữu luôn phải sẵn sàng để nói về đức tin của mình.

Nói về đức tin hay là rao giảng đức tin hay là truyền giáo đều đòi hỏi những yếu tố cần thiết. Trước hết, công việc này đòi hỏi chúng ta lòng yêu mến sâu xa đối với Chúa Giêsu Kitô, và qua Ngài chúng ta yêu mến cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta đến với Chúa Giêsu Kitô vì Ngài chính là Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Ngài đã nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6).  Ngài là Đấng Trung Gian duy nhất vì chính Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Nơi Ngài, đất trời gặp nhau. Nơi Ngài Thiên Chúa và Nhân Loại giao hòa. Nơi Ngài, thiên tính cùng nhân tính kết hợp trong cùng một ngôi vị. Chính lòng yêu mến Chúa thúc đẩy chúng ta tìm hiểu về Ngài và nói về Ngài. Dĩ nhiên, chúng ta không hiểu hết những gì liên quan đến Chúa. Nhưng trong thân phận giới hạn, chúng ta dựa vào những gì Chúa Giêsu mặc khải và những gì Thiên Chúa biểu lộ trong phạm vi tự nhiên, để hiểu biết phần nào về Ngài, tình yêu của Ngài và chương trình cứu độ của Ngài cho chính chúng ta và cả nhân loại.

Thứ hai, chúng ta học biết về Chúa, về Giáo Hội, và tất cả những gì liên quan đến đức tin của chúng ta. Chúng ta chỉ có thể vững mạnh trong đức tin nếu chúng ta biết tại sao mình tin, và có thể trả lời cho những ai hỏi chúng ta về đức tin của mình. Bởi lẽ, nếu chúng ta không biết gì nhiều về đức tin của mình, thì không những chúng ta không đủ sức trả lời những câu hỏi người ta đặt ra, mà còn bị lung lạc bởi những trào lưu tư tưởng và lối sống của xã hội chung quanh. Hơn bao giờ hết, thời đại hôm nay thúc bách chúng ta tìm hiểu sâu xa về đức tin của mình. Đồng thời, ngày nay chúng ta cũng có những lợi điểm là các tiện nghi khoa học kỹ thuật để giúp chúng ta tìm kiếm tài liệu cho việc học hỏi của mình. Điều còn lại chính là sự quyết tâm của chúng ta. Chúng ta không buộc phải triền miên chúi đầu vào sách vở như các thần học gia hay các nhà nghiên cứu Kinh Thánh. Cần nhất là chúng ta dành ra một phần thời gian mỗi ngày để học biết về đức tin của mình. Mưa dầm thấm đất. Học hỏi dần dà giúp chúng ta đào sâu đức tin. Khi chúng ta biết nhiều về đức tin, chúng ta sẽ mến Chúa sâu xa hơn. Chúng ta cầu nguyện và tham dự Thánh Lễ có ý nghĩa và sốt sắng hơn. Chúng ta cũng sẽ tự tin để trả lời người khác về niềm hy vọng của chúng ta như thánh Phêrô nhắn nhủ.

Thứ ba, mặc dầu có sự hiểu biết về  đức tin, nhưng chúng ta vẫn không thể thuyết phục người khác, nếu chúng ta không cố gắng sống đức tin của mình. Học hỏi về đức tin, tìm hiểu về giáo lý, đào sâu về Thánh Kinh đều nhắm đến cùng một mục đích là thay đổi con người chúng ta, thánh hóa chúng ta để giúp chúng ta nên giống Chúa Kitô trong lề lối suy nghĩ, trong thái độ và trong hành động của mình.Khi nói đến đạo đức, người Công Giáo Việt Nam thường có khuynh hướng nghĩ đến việc siêng năng tham dự Thánh Lễ, lần hạt Mân Côi, thuộc nhiều kinh nguyện. Những điều đó là những việc thờ phượng để chúng ta bày tỏ lòng tôn thờ Chúa cùng kính mến Đức Mẹ, các thiên thần và các thánh. Những điều đó quan trọng vì nhờ đó chúng ta liên kết với Chúa, với Đức Mẹ, với các thiên thần và các thánh. Tuy nhiên, đời sống tín hữu vẫn vòn thiếu, vì việc những việc đạo đức này phải thúc đẩy chúng ta thực hành lời Chúa trong đời sống hằng ngày của mình.Chúng ta thực hành lời Chúa trong cách cư xử lịch sự, hòa nhã, bác ái, công bình với tha nhân. Nếu có làm việc đạo đức mà không sống đạo, thì đó là mến Chúa mà không yêu người. Vì vậy, theo đạo, giữ đạo, hiểu đạo và sống đạo là bốn điều cần thiết mà chúng ta cần suy nghĩ và thực hành.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14:15). Do đó, lòng yêu mến Chúa cùng đức tin và niềm hy vọng của chúng ta luôn đi đôi với việc thực hành lời Chúa, tuân giữ các giới răn của Ngài. Trong thời đại khoa học kỹ thuật, người ta luôn dựa vào bằng chứng để đặt niềm tin tưởng của mình. Chúng ta không thể chỉ đọc kinh hay tham dự Thánh Lễ mà có thể thuyết phục người khác. Chúng ta không thể chỉ làm các việc đạo đức mà có thể làm cho người khác đến với Chúa Kitô. Chỉ có việc thực hành giáo huấn của Chúa đi đôi với việc đạo đức mới là bằng chứng hùng hồn cho đức tin của chúng ta. Nhờ đó, tha nhân mới nhận thấy giá trị thực sự của đức tin Công Giáo. Họ mới có thể tìm hiểu về Chúa Giêsu Kitô để đón nhận Ngài và tin vào Ngài.

Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ ban ơn giúp đỡ để chúng ta thực sự là những chứng nhân cho Chúa Kitô trong mọi nơi và mọi lúc.