Hãy Nên Hoàn Thiện

Chúa Nhật 7 Thường Niên, Năm A
Mt 5:38-48

Anh chị em thân mến,

Cụm từ “có qua có lại” trong văn hóa Việt Nam hàm chứa tính chất sòng phẳng trong các quan hệ xã hội. Chúng ta thích những kẻ thích mình, và ghét kẻ ghét mình. Đó là khuynh hướng tự nhiên, nhưng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi một bước xa hơn, tức là yêu kẻ thù.

Luật Môsê về việc mắt đền mắt răng đền răng cũng mang tính sòng phẳng. Mới thoạt nhìn, luật này xem ra công bình, vì nó giữ người ta lại trong mức độ trả thù vừa phải, để khỏi lạm dụng bạo lực mà đi quá trớn. Tuy nhiên, thứ công bình như thế rất lạnh lùng và tiêu cực. Nó không phản ảnh bản chất và ý nghĩa sâu xa của con người, tức là tình yêu.

Ngược lại với cách nhìn vào luật lệ theo lối tiêu cực, Chúa Giêsu chiếu giãi ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa vào luật lệ. Ngài kêu gọi các môn đệ và những người nghe Ngài hãy yêu cả kẻ thù của mình. Lý do để yêu kẻ thù là vì Thiên Chúa yêu hết mọi người, cả tốt lẫn xấu. Khi chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, thì tức khắc chúng ta phải nhìn nhận mọi người là anh chị em của chúng ta, vì họ đều là con cái Thiên Chúa. Chính vì vậy, chúng ta được kêu gọi để yêu mến kẻ thù, bởi kẻ thù cũng là anh chị em của chúng ta trong đại gia đình của Thiên Chúa. Chúa Giêsu khẳng định là phải có lòng yêu mến cả kẻ thù, thì chúng ta mới thực sự là con cái Thiên Chúa.

Thật vậy, chúng ta là con cái Thiên Chúa theo hai cách: tự nhiên và siêu nhiên. Về phương diện tự nhiên, mọi người sinh ra trên trần gian đều là con cái Thiên Chúa, vì họ đều đón nhận sự sống từ Ngài. Chúng ta là con cái Thiên Chúa theo nghĩa này, vì sự sống của chúng ta là do Thiên Chúa ban cho. Chúng ta cũng là con cái Thiên Chúa theo phương diện siêu nhiên, tức là qua Bí Tích Rửa Tội. Nhờ Bí Tích này chúng ta được liên kết với Chúa Giêsu mà trở nên nghĩa tử của Chúa, đồng thừa tự gia nghiệp Nước Trời với Chúa Giêsu.

Bí Tích Rửa Tội không những làm cho chúng ta được nên con cái Chúa trong Chúa Giêsu, nhưng còn trao ban ơn gọi nên thánh như Thiên Chúa. Nên thánh có nghĩa là sống theo tình yêu chân thành đối với Chúa và mọi người chúng quanh, như chính mình chúng ta. Điều này đã được khởi xướng trong sách Lêvi (Lv 19:18). Luật lệ trong sách Lêvi kêu gọi yêu người đồng lại như chính mình; nhưng người đồng loại được hiểu là một người Do thái khác, tức là người cùng chủng tộc, chứ không phải là tất cả mọi người.

Ngược với quan niệm của luật Môsê, Chúa Giêsu đi xa hơn về việc yêu thương, Ngài không giới hạn tình yêu chỉ cho người Do thái, nhưng lại kêu gọi môn đệ của Ngài yêu hết mọi người như chính mình, bởi vì mọi người đều là đồng loại với nhau trong nhân tính; tất cả đều là người, và đều được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.Do đó, mọi người đều bình đẳng và liên đới với nhau, vì cùng chia sẻ một bản tính nhân loại, có cùng một nguồn gốc là Thiên Chúa và được gọi để hướng về cùng một  mục đích là hạnh phúc Nước Trời.Giáo huấn về tình yêu của Ngài có tính cách phổ cập, xuyên qua hết mọi ranh giới của xã hội loài người.

Khi nói đến yêu kẻ thù, Chúa Giêsu  không bảo chúng ta phải có mức độ cảm xúc nồng nàn như người thân trong gia đình hoặc bạn bè thân thiết. Tình yêu ở đây đặt căn bản trên ý muốn điều thiện cho người khác. Chúng ta được kêu gọi để nghĩ tốt, nói tốt và làm tốt cho mọi người. Khi tha nhân gặp điều bất trắc và cần chúng ta giúp đỡ, thì dù họ thế nào chăng nữa, chúng ta cũng phải giúp đỡ theo khả năng và hoàn cảnh của mình.

Việc thực hành giáo huấn yêu thương không phải lúc nào cũng dễ áp dụng. Có những hoàn cảnh tế nhị, nhạy cảm khiến chúng ta do dự, đắn đo. Tuy nhiên, khi chúng ta có tâm hồn yêu thương, có lòng mong muốn điều tốt cho tha nhân, thì chắc chắn chúng ta cũng có thể tìm ra cách thức thực hiện điều Chúa dạy trong các hoàn cảnh khác nhau.

Giáo huấn về yêu thương không giới hạn đặt căn bản trên sự tốt lành trọn vẹn của Thiên Chúa. Trong Thiên Chúa chỉ có tình yêu và sự thiện. Những gì xấu xa chỉ là hậu quả từ việc vắng bóng sự thiện, tương tự như bóng tối là hậu quả của sự vắng bóng ánh sáng. Vì Thiên Chúa là Đấng Hoàn Thiện và vì chúng ta chấp nhận Thiên Chúa là Cha, nên chúng ta phải bắt chước Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã dạy dỗ các môn đệ một cách rõ ràng: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt 5:48).

Chúng ta có thể lý luận rằng chúng ta là con người mang thân phận giới hạn, nên chúng ta không thể hoàn thiện như Thiên Chúa. Thực ra, lời kêu gọi của Chúa Giêsu không bắt buộc chúng ta phải làm y chang như Thiên Chúa. Ngài chỉ mong muốn môn đệ của Ngài nên hoàn thiện theo cách thế và hoàn cảnh riêng của mình. Điều căn bản là mỗi một người luôn có ý hướng hoàn thiện và cố gắng hết mình để thực hành ý hướng đó trong mọi hoàn cảnh cụ thể của mình.

Cái tinh hoa trong giáo huấn của Chúa Giêsu là trình bày sự thiện, chứ không như luật lệ thường có khuynh hướng nhằm ngăn chặn và giới hạn sự dữ. Khi con người nhắm vào sự thiện và cố gắng để xây dựng những gì tốt lành trong thế giới, thì bộ mặt của thế giới dần dà được thay đổi để nên giống Thiên Chúa là Đấng Hoàn Thiện. Như thế, đời sống con người sẽ hạnh phúc hơn. Thiên Đàng sẽ khởi hiện như ánh bình minh ở trên mặt đất này, để tiến đến ngày viên mãn của thế giới.

Trong khi cùng với Giáo Hội lữ hành trên dương thế, mỗi người chúng ta được khích lệ để hết lòng thực hiện sự hoàn thiện nơi chính mình. Nhờ đó chúng ta có thể đóng góp vào sự hoàn thiện nơi thế giới, như lòng mong ước của Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống của chúng ta.