Phi Thường Trong Bình Thường

Chúa Nhật 4 Thường Niên, Năm C
Lc 4:21-30

Anh chị em thân mến,

Vào lúc khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu trở về thăm làng cũ là Nadarét. Nơi đây Ngài có dịp tham dự buổi cầu nguyện tại hội đường vào ngày Sa-bát. Nơi đây, Ngài đã đối diện với thái độ thay lòng đổi dạ của người đồng hương.

Như bao người Do Thái khác, Chúa Giêsu có thói quen đến hội đường cầu nguyện ngay từ nhỏ khi còn ở làng Nadarét với Đức Mẹ và Thánh cả Giuse. Bây giờ, Ngài cũng theo thói quen mà đến hội đường vào ngày Thứ Bảy.

Người ta mời Ngài đọc sách thánh và sau đó giảng giải về lời Kinh Thánh. Mọi người trong hội đường Nadarét đều thán phục về những lời lẽ của Ngài. Mặc dầu thán phục, nhưng họ thắc mắc với nhau vì sao Ngài lại có khả năng ăn nói như thế. Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con Ông Giuse đó sao?” (Lc 4:22). Tin Mừng Thánh Mátthêu và Máccô nói rõ là dân Nadarét không tin, nên Chúa Giêsu không làm phép lạ (Mt 13:58; Mc 6:6) tại làng quê mình. Vì vậy, Chúa mới nói là không có tiên tri nào được chấp nhận tại quê hương của mình cả.

Dân Nadarét không chấp nhận Chúa Giêsu, không tin vào Ngài, bởi vì họ đã quen thuộc với quá khứ của Ngài. Họ biết rõ về gia đình của Ngài. Họ thấy rằng họ ngang hàng với Ngài. Nhưng bây giờ Ngài nổi tiếng khắp cả miền Galilê, nhất là tại Caphácnaum. Họ cảm thấy bị thua sút. Một mặt họ quá quen thuộc về Ngài nên họ không quý trọng Ngài. Mặt khác, vì quen thuộc nên họ không chấp nhận Ngài hơn họ, làm thầy dạy của họ. Mặc dầu thoạt tiên họ thán phục về những lời giảng dạy của Ngài, nhưng sự quen thuộc, tính tự ái và lòng kiêu ngạo đã ngăn cản họ không chấp nhận Ngài và tin vào Ngài.

Chúa Giêsu còn đọc thấy tâm tư của họ. Họ chỉ muốn Ngài làm phép lạ để chứng minh Ngài có quyền năng như người ta đồn thổi. Hơn nữa, họ tự cho mình có đặc quyền được thấy phép lạ Ngài làm. Nếu Ngài đã làm phép lạ ở nơi khác, thì tại sao lại không làm phép lạ cho đồng hương coi chơi? Ở đây, chúng ta cũng thấy khuynh hướng tìm kiếm phép lạ của dân chúng. Thánh Phaolô từng viết: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh. (1Cr 1:23). Chúa Giêsu cũng trách móc dân Do Thái vì thói tìm phép lạ. (Mt 12:38-39; Mc 8:11-12; Lc 11:29).

Thay vì làm phép lạ cho dân chúng Nadarét, Chúa Giêsu nhắc đến hai trường hợp trong Cựu Ước về việc Thiên Chúa trợ giúp dân ngoại, tức là người không thuộc chủng tộc Do Thái. Trường hợp thứ nhất là vào thời kỳ hạn hán ba năm sáu tháng và nạn đói hoành hành, tiên tri Êlia được sai đến giúp đỡ bà góa thành Xarépta miền Xiđôn. Trong khi đó, không có bà góa nào của Ítraen được giúp đỡ (Lc 4:25-26; 1V 17: 7-15). Trường hợp thứ hai là vào thời tiên tri Êlisa, có nhiều người phong hủi trong Ítraen, nhưng không ai được chữa lành. Trái lại, ông Êlisa lại chữa lành tướng Naaman, người Xiri (Lc 4:27; 2V5). Hai trường hợp này cho thấy Thiên Chúa có tự do của Ngài. Ngài muốn ban ân huệ cho ai tùy ý. Con người không có quyền và không có khả năng đòi buộc Thiên Chúa làm theo ý riêng của mình. Thêm vào đó, mặc dầu là dân được Thiên Chúa tuyển chọn, nhưng điều đó không có nghĩa là ân huệ của Chúa chỉ dành riêng cho dân Do Thái. Thiên Chúa là Chúa của hết mọi người, nên tình thương của Ngài trải rộng cho mọi người và ân huệ của Ngài cũng cho tất cả mọi người, không loại trừ ai.

Thái độ của dân chúng làng Nadarét cũng phản ảnh thái độ của chúng ta. Trong cuộc sống hằng ngày, sự quen thuộc về hoàn cảnh, sự vật, và người chung quanh làm cho chúng ta mù lòa về những điều tốt đẹp, cao quý và kỳ diệu của cuộc sống. Biết bao nhiêu điều kỳ diệu Chúa làm mà chúng ta không ý thức. Chẳng hạn, ngôn ngữ là điều kỳ diệu. Ngôn ngữ rất quan trọng, vì nó làm cho chúng ta trỗi vượt hơn các loài thọ tạo khác. Ngôn ngữ là chìa khóa của văn minh nhân loại. Không có ngôn ngữ, thì đời sống chúng ta cũng chẳng tiện nghi như bây giờ và sự liên hệ giữa người với người cũng hạn hẹp nghèo nàn.

Sự quen thuộc cũng làm cho chúng ta không nhìn thấy được những điều tốt đẹp mà những người thân quen làm cho mình, nhất là trong gia đình. Bình thường, khi mọi việc diễn tiến điều hòa, cuộc sống êm xuôi, chúng ta không ý thức về sự đóng góp của người chung quanh vào đời sống mình. Càng thân thiết và càng gần gũi, càng khó nhìn thấy những gì cao quý, tốt đẹp mà người thân làm cho mình. Không ai làm tiên tri nơi quê hương mình. Cũng không ai là anh hùng giữa người thân quen. Ngay cả Thánh Lễ và các buổi đọc kinh cầu nguyện hay việc lắng nghe lời Chúa cũng trở thành quen thuộc đến độ chúng ta khó cảm nhận giá trị cao quý của những điều này.

Ngoài sự quen thuộc ra, tính tự ái và kiêu ngạo cũng khiến chúng ta khó chấp nhận sự thật về chính mình, gia đình mình hay cộng đoàn của mình. Người dân Nadarét không chấp nhận sự thật là Thiên Chúa có tự do và toàn quyền ban ơn lành cho dân ngoại. Họ cứ tưởng rằng họ là dân ưu tuyển thì mọi đặc ân phải dành cho họ. Vì tự ái và kiêu ngạo nên họ không chấp nhận Chúa Giêsu và sự thật Ngài rao giảng. Từ tự ái, họ trở thành bạo động và muốn giết Ngài. Việc dân Nadarét hung hăng với Ngài cũng là dấu hiệu báo trước về việc dân Do Thái đóng đinh Ngài vào thập giá sau này. Chúng ta cũng có thể rơi vào trường hợp tự ái và kiêu ngạo như dân Nadarét, khi chúng ta không chấp nhận sự thật về chính mình, gia đình mình hay cộng đoàn của mình.

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống để vượt ra khỏi sự quen thuộc và tính tự ái. Nhờ đó, chúng ta cảm nhận được những ân huệ kỳ diệu của Chúa cũng như những việc cao quý mà người chung quanh làm cho chúng ta. Xin cho chúng ta được tỉnh thức để nhìn thấy những điều phi thường xuyên qua cuộc sống bình thường hằng ngày.