Yêu Mến Bằng Hạnh Động

Chúa Nhật 6 Phục Sinh, Năm C
Lễ Đức Mẹ Thuyền Nhân
Ga 14: 23-29

Anh chị em thân mến,

Đoạn Tin Mừng thánh Gioan 14:23-29 là một phần của diễn từ giã biệt mà Chúa Giêsu nói với các môn đệ trước khi Ngài rời xa họ.

Chúa nhắn nhủ họ là tình yêu luôn đòi hỏi hành động. Ngài nói: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14:23). Thực sự như thế, tình yêu không phải chỉ là một ý tưởng trong đầu hay một cảm xúc xao xuyến trong tâm hồn, nhưng còn phải được thể hiện bằng hành động. Theo kinh nghiệm thường tình, khi chúng ta yêu mến ai, chúng ta muốn làm vui lòng người đó, bằng cách thực hiện ý muốn của họ. Cùng một lẽ ấy, lòng yêu mến Chúa thực sự đòi hỏi chúng ta thực hiện thánh ý Ngài. Hành động là thước đo tình yêu.

Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ và mọi tín hữu là hãy giữ lời Chúa. Lời Chúa bày tỏ ý Chúa. Ý Chúa là giáo huấn Ngài trao ban cho chúng ta. Hơn ai hết, Đức Mẹ Maria là người luôn giữ lời Chúa, vâng theo giáo huấn của Chúa và thực hành ý Chúa trong đời Mẹ. Trước khi Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người trong cung lòng của Mẹ, Mẹ luôn sống theo ý Chúa như đã truyền đạt trong Thánh Kinh Cựu Ước, chu toàn mọi lề luật Chúa truyền dạy. Như thế, Mẹ là người công chính, người yêu mến luật Chúa, suy đi nghĩ lại đêm ngày, và biến luật Chúa thành hành động trong đời Mẹ. Do đó, Mẹ xứng đáng được Chúa chọn, vì Mẹ hết lòng yêu mến Chúa.

Đời sống của Mẹ Maria gắn bó mật thiết với Chúa, nên Chúa ở cùng Mẹ. Nhờ đó, Mẹ là người có phúc. Có lần Chúa Giêsu đang giảng dạy, người ta báo cho Chúa biết là mẹ và anh em Ngài đang chờ gặp Ngài, Ngài bảo rằng những ai thi hành ý Chúa Cha mới là mẹ của Ngài và là anh chị em của Ngài (Mt 12: 48-50). Qua những lời đó, Chúa Giêsu cho thấy rằng mối liên hệ mật thiết với Ngài đặt căn bản trên việc thực thi ý Chúa hơn là tình máu mủ ruột thịt. Cùng một lúc, Chúa mặc nhiên ca ngợi Đức Mẹ, vì Mẹ luôn thực hành ý Chúa.

Đức Mẹ Maria là mẫu gương cho mọi người noi theo để sống tư cách môn đệ của Chúa Giêsu. Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam/ Nam Úc tôn kính Đức Mẹ Maria với tước hiệu là Đức Mẹ Thuyền Nhân. Nhiều năm trước đây, Đức Mẹ đã phù hộ chúng ta trong cuộc hành trình vượt biển đi tìm tự do. Chúng ta cảm tạ Chúa và cảm tạ Đức Mẹ đã thương đưa tay dẫn dắt chúng ta đến bến bờ bình an. Ngày nay, chúng ta không vượt biển vật lý nữa, nhưng chúng ta vẫn còn hành trình trên một thứ biển khác, đó là biển đời. Phong ba bão táp là những trào lưu tư tưởng thế tục chung quanh, các lối sống nghịch lại ý Chúa, những cám dỗ lôi kéo chúng ta lạc đường. Chúng ta vẫn cần Đức Mẹ Thuyền Nhân dẫn dắt. Đức Mẹ vẫn luôn là tấm gương sáng ngời, là ánh sao dẫn đường cho cuộc hành trình của chúng ta đi về Quê Trời.

Trong kinh “Đức Mẹ Thuyền Nhân”, chúng ta xin Mẹ dạy chúng ta biết lắng nghe lời Chúa, suy niệm lời Chúa và thực hành lời Chúa. Lời Chúa thì nhiều và cần phải dần dà thực hành. Ở đây, chúng ta suy nghĩ về ba điều cần thiết mà Chúa dạy bảo. Việc đầu tiên là cử hành Thánh Lễ. Trước khi chịu khổ nạn, Chúa  Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể và dặn các môn đệ rằng: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22:19). Qua bao thế hệ cho đến nay, Giáo Hội vẫn giữ lời Chúa và cử hành Thánh Lễ. Khi tham dự Thánh Lễ là chúng ta giữ lời Chúa. Giữ lời Chúa là yêu mến Chúa. Như vậy, Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ ở với chúng ta, và chúng ta là những người có phúc như Đức Mẹ Maria. Vì tầm quan trọng của Thánh Lễ, nên chúng ta cần chuẩn bị và tham dự Thánh Lễ một cách sốt sắng để biểu lộ lòng yêu mến của chúng ta đối với Chúa. Qua Thánh Lễ, chúng ta được đưa vào sự hiệp thông với Chúa Ba Ngôi và với nhau trong Giáo Hội, bởi vì Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu Kitô.

Điều thứ hai cũng quan trọng không kém, đó là sự cảm thông và tha thứ. Vì loài người yếu đuối tội lỗi, nên Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người trong Chúa Giêsu Kitô để chia sẻ cuộc sống với loài người, dạy dỗ loài người và chịu chết để đem lại ơn tha thứ cho loài người, nhờ đó loài người được cứu độ và được giao hòa với Thiên Chúa. Ơn cứu độ làm cho chúng ta được sống trong quan hệ yêu thương với Chúa đời này và chuẩn bị cho chúng ta được vui hưởng phúc trường sinh mai sau trên Thiên Đàng.

Chúa Giêsu Kitô dạy dỗ về tha thứ bằng lời nói, việc làm và bằng cái chết của Ngài. Ngài cũng nhắn nhủ chúng ta giữ lời Ngài bằng cách có lòng cảm thông và sẵn sàng tha thứ cho tha nhân. Sự tha thứ cho người khác là điều quan trọng vì đó là giáo huấn của Chúa, vì chúng ta cần được Chúa tha thứ, và vì chúng ta cũng cần người khác tha thứ. Đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, xin cho chúng ta biết giữ lời Chúa bằng sự cảm thông và tha thứ.

Điều thứ ba trong việc giữ lời Chúa, đó là xây dựng sự hiệp thông. Hiệp thông là dấu chỉ của tình yêu, bởi vì tình yêu luôn đi tìm kết hợp. Ngược lại chia rẽ là hậu quả của ích kỷ, kiêu ngạo và tham vọng riêng tư. Chúa Giêsu Kitô đã từng cầu nguyện cho các môn đệ được nên một trong tình hiệp thông (Ga 17:20-23). Ngài còn nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13:35).  Như thế, xây dựng sự hiệp thông trong cộng đoàn đức tin là vâng theo ý Chúa, là noi theo khuôn mẫu Chúa ba Ngôi, vì Chúa Ba ngôi luôn yêu thương và hiệp thông sâu xa. Chúng ta được Chúa tạo dựng và được Ngài cứu chuộc, nên chúng ta được kêu gọi để xây dựng hiệp thông. Hơn nữa, hiệp thông là dấu chỉ của Thiên Đàng, vì trong Thiên Đàng mọi người đều kết hiệp với Chúa và với nhau trong tình yêu vĩnh cửu.

Trong ngày kính nhớ Đức Mẹ Thuyền Nhân, bổn mạng Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam/ Nam Úc, chúng ta dâng lên Mẹ tâm tình cảm tạ tri ân. Chúng ta cũng quyết tâm noi theo gương Mẹ để lắng nghe lời Chúa, suy niệm lời Chúa và thực hành lời Chúa. Khi tuân giữ lời Chúa, chúng ta sẽ sống hạnh phúc, vì lời Chúa luôn đem lại những hiệu quả tốt lành và ý nghĩa cho chúng ta. Hơn nữa, như Chúa Giêsu Kitô đã nói, chúng ta sẽ được Chúa hiện diện trong cuộc đời. Chúng ta sẽ có phúc như Đức Mẹ, vì nơi nào có Chúa ngự trị, nơi đó có bình an, vui thú và hạnh phúc.