Yêu Người Thân Cận

Chúa Nhật 15 Thường Niên, Năm C
Lc 10:25-37

Anh chị em thân mến,

Ước muốn được sống lâu dài mãi mãi là khao khát sâu thẳm của lòng người. Người thông luật trong Tin Mừng Luca 10:25-37 cũng muốn được sống đời đời. Đó là điều dẫn đến dụ ngôn người Samari nhân hậu.

Khi một người được nổi tiếng về một phạm vi nào đó, thì sớm muộn gì tài năng của họ cũng bị thách đố. Chúa Giêsu cũng trải qua cuộc thử thách do người thông luật nêu ra. Chúa nổi tiếng về việc giảng dạy, chữa lành bệnh hoạn tật nguyền, giao tiếp với mọi người không loại trừ ai. Dân chúng theo ngài đông đảo. Do đó, những người trí thức đương thời phải nghĩ ngợi và ganh tỵ. Bởi vì ai cũng muốn được nổi tiếng trên đời.

Người thông luật biết rằng sự sống đời đời là do Chúa ban, nhưng ông vẫn cảm thấy rằng con người cần phải làm một điều gì để có thể lãnh nhận ơn huệ đó. Vì vậy, ông hỏi Chúa Giêsu là phải làm gì để được sự sống đời đời. Chúa đưa ông trở về với luật lệ mà ông thông thạo để tự trả lời câu hỏi do ông đặt ra, tức là mến Chúa với hết cả con người và yêu người thân cận như chính mình.

Tuy nhiên, ông lại đặt vấn đề ai là người thân cận của ông? Đối với quan niệm của người Do Thái thời Chúa Giêsu, người thân cận là một người Do Thái khác. Nhưng trên lãnh thổ Do Thái thời đó, có nhiều người cư ngụ gồm cả binh sĩ Rôma cũng như những người thuộc các dân tộc khác. Chẳng lẽ loại trừ những người ngoại kiều này, rồi chỉ quan tâm đến người Do Thái mà thôi sao?

Chúa Giêsu không đưa câu trả lời có tính cách trừu tượng và lý thuyết. Thay vào đó, Ngài kể một dụ ngôn về người bị cướp tấn công, bị trấn lột hết tài sản, tiền bạc, bị đánh trọng thương nửa sống nửa chết trên đoạn đường từ Giêrusalem về Giêrikhô. Có ba người đi qua trên đoạn đường này là một thầy tư tế, một thầy Lêvi, và một người Samari. Tư tế lo việc tế lễ tại Giêrusalem. Lêvi giúp việc thờ phượng, tương tự như những em giúp lễ trong nhà thờ. Hai người này gặp người bị nạn, nhưng không giúp đỡ, chỉ tránh qua một bên rồi tiếp tục đi đường. Còn người Samari thấy nạn nhân, chạnh lòng thương, dừng lại săn sóc giúp đỡ.

Dụ ngôn người Samari nhân hậu nêu lên một số điểm. Lẽ ra những người gần gũi Thiên Chúa như thầy tư tế và thầy Lêvi phải sốt sắng giúp đỡ người bị nạn, nhưng họ lại lạnh lùng bỏ đi. Điều này cho thấy, việc thờ phượng Chúa chưa trọn vẹn, bởi vì yêu mến Chúa và yêu mến người thân cận gắn liền với nhau như người thông luật đã nêu lên. Do đó, đạo luôn phải hướng dẫn đời. Việc thờ phượng Chúa phải dẫn đưa người tín hữu tới hành vi bác ái đối với người chung quanh. Thờ phượng Chúa là hành động chiều dọc phải đi song đôi với bác ái là hành động chiều ngang đối với tha nhân.

Qua dụ ngôn nêu trên, Chúa Giêsu cho thấy rằng yêu thương không phải chỉ là một ý tưởng chợt đến trong trí hay một cơn cảm xúc dấy lên trong lòng rồi thôi, nhưng phải là một việc làm cụ thể, thực tế để giúp đỡ kẻ có nhu cầu.

Thêm vào đó, yêu thương không phải chỉ giới hạn vào một nhóm người mà thôi, nhưng là cho hết mọi người. Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi loài thụ tạo, là Cha của hết mọi người, nên Ngài yêu thương hết mọi người. Vì vậy, yêu mến Chúa đòi hỏi người ta phải thực hành theo đường lối Chúa, tức là yêu mến mọi người không loại trừ ai.

Bình thường, chúng ta hay nghĩ đến bác ái theo nghĩa giúp đỡ vật chất cho người thiếu thốn. Dĩ nhiên, khi có người túng thiếu vật chất, chúng ta cần giúp đỡ họ bằng vật chất. Nhưng có khi người ta không cần đến vật chất, nhưng họ cần giúp đỡ về tinh thần. Bác ái là giúp đỡ những người túng thiếu về vật chất lẫn tinh thần. Yêu mến người thân cận bằng cách giúp đỡ họ khi túng thiếu là thứ tình yêu chữa trị, nghĩa là họ gặp khó khăn rồi chúng ta mới giúp. Nhưng tình yêu chữa trị vẫn chưa đủ. Cần phải có một loại tình yêu khác, tức là tình yêu phòng ngừa. Tình yêu phòng ngừa giúp chúng ta cẩn thận trong suy nghĩ, lời nói và hành động để tránh gây ra tai hại cho người khác. Tình yêu phòng ngừa thúc đẩy chúng ta đặt câu hỏi: hành động của tôi, lối sống của tôi, lời nói của tôi có làm phương hại đến danh dự, tài sản hay quyền lợi của người khác không?

Tình yêu phòng ngừa giúp chúng ta xem lại quan niệm và lối sống của mình. Người Việt Nam dễ có khuynh hướng nghĩ rằng chỉ có dâm dục và giết người và bỏ lễ Chúa Nhật là tội trọng, còn mọi thứ khác đều là tội nhẹ hoặc không có tội. Thực ra không phải như vậy. Khi lời nói hay chữ viết của chúng ta làm hại đến danh dự của một người khác một cách trầm trọng, thì đó là tội trọng. Khi hành động của chúng ta làm xáo trộn, chia rẽ trong gia đình, gia tộc hay cộng đoàn đức tin, thì đó là tội trọng. Nói chung, khi lời nói, chữ viết hay hành động của chúng ta gây ra tai hại trầm trọng cho người khác, cá nhân hay tập thể, thì đó là tội trọng. Vì vậy, yêu mến Chúa hết lòng và yêu người thân cận đòi buộc chúng ta phải suy nghĩ về tình yêu phòng ngừa để tránh làm hại đến tha nhân và trải rộng tình bác ái một cách hữu hiệu hơn.

Yêu mến người thân cận đòi hỏi chúng ta có một tâm hồn trong sáng, thánh thiện và quảng đại. Một tâm hồn như thế cần phải được thanh tẩy và nuôi dưỡng liên tục, cũng như cơ thể cần được thanh tẩy và nuôi dưỡng liên tục. Hằng ngày, cơ thể đón nhận chất dinh dưỡng nhưng đồng thời cũng hấp thụ các chất độc. Do đó, hằng ngày cơ thể luôn bài tiết chất độc. Việc bài tiết này cần đến nước để giúp thanh tẩy cơ thể. Vì vậy, chúng ta cần nhiều nước để nuôi dưỡng và thanh tẩy cơ thể, nhờ đó cơ thể khỏe mạnh và sinh hoạt hữu hiệu. Tương tự như thế, tâm hồn chúng ta hằng ngày đón nhận thức ăn bổ dưỡng là lời hay ý đẹp từ các nguồn khôn ngoan và nhất là từ lời Chúa. Nhưng đồng thời, những chất độc là tư tưởng mờ ám, ý nghĩ gian dối, độc ác, tà vạy đều theo nhau len vào tâm hồn. Vì vậy, chúng ta cần nhiều lời khôn ngoan, và lời Chúa để thanh tẩy, giúp cho tâm hồn luôn thánh thiện và quảng đại. Khi có một tâm hồn thánh thiện và quảng đại, chắc chắn chúng ta sẽ nói năng và hành động đầy yêu thương đem lại lợi ích cho mình và tha nhân. Bởi vì, lòng dạ thế nào, biểu lộ thế ấy.
Chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta có một tấm lòng rộng mở và thánh thiện để yêu mến Chúa trọn vẹn và yêu tha nhân như chính mình.