Cha Và Con

Chúa Nhật 4 Mùa Chay, Năm C
Lc 15:1-3.11-32

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu thường đến với người tội lỗi, người thu thuế để từ đó giúp họ sám hối trở về với Chúa. Tuy nhiên, những người Pharisêu và các kinh sư phê bình chỉ trích Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu kể cho họ một dụ ngôn để nêu lên lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với loài người.

Dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể trong Tin Mừng thánh Luca (15:1-3,11-32) thường được gọi là dụ ngôn người con hoang đàng. Tuy nhiên, vì chủ điểm của dụ ngôn là lòng nhân hậu của người cha, nên dụ ngôn này cũng được gọi là dụ ngôn người cha nhân hậu. Trước hết dụ ngôn này cho thấy, người con thứ đòi chia gia tài để có tiền bạc sống riêng. Trong văn hóa đông phương, không ai chia gia tài lúc cha mẹ còn sống. Chỉ sau khi cha mẹ qua đời, gia tài mới thuộc về con cái. Lúc đó, con cái mới chia tài sản với nhau. Như thế, hành động của người con thứ thật ích kỷ, bởi vì việc yêu cầu chia gia tài có khác gì là mong muốn cha mẹ chết đi để anh ta chiếm được tiền bạc của cải cho riêng mình. Khi có tiền bạc rồi, anh ta ra đi phương xa để ăn chơi trác táng. Lối sống như thế cho chúng ta thấy anh là một kẻ phá gia chi tử, một người con chỉ biết lười biếng, ăn chơi, không làm nhưng đòi hưởng lợi. Hình ảnh của người con thứ là hình ảnh của người ích kỷ, chỉ biết mình chứ không biết đến người khác, kể cả cha mình. Chỉ sau khi hết tiền, đói kém, túng thiếu mới nhớ đến cha, nhưng sự tưởng nhớ cũng chỉ là để kiếm ăn cho no bụng mà thôi. Thánh Phaolô cũng đã nói đến một số người chuyên thờ cái bụng như thế (Pl 3:19).

Ngược lại người con cả không đòi chia gia tài, nhưng anh sống theo lối tính toán của một người làm công, hơn là một người con. Anh ganh tỵ với em mình, vì bỏ nhà ra đi đã không bị trừng phạt khiển trách, mà còn được ăn mừng lúc trở về. Vì tính toán, nên anh không nhìn thấy lòng yêu thương của người cha. Vì so đo, nên anh không có lòng thương yêu em mình, khi em từ từ cảnh đói kém và tiều tụy trở về. Anh ở trong nhà, nhưng lòng anh xa cha và xa em. Vì vậy, nơi đây anh cũng bỏ cha ra đi trong chính tâm hồn của anh, anh bỏ nhà ra đi ngay trong chính căn nhà của anh, bởi vì anh sống như một kẻ làm công cho cha mình mà thôi.

Dụ ngôn cho thấy, người cha mất cả hai con chứ không phải là một. Nhưng tình yêu của người cha vô bờ bến, vô điều kiện. Lòng nhân từ và sự kiên nhẫn của người cha đã khiến cho ông tìm lại được cả hai người con bằng hai cách khác nhau.

Dụ ngôn này cho thấy người con thứ đại diện cho những người thu thuế và kẻ tội lỗi. Họ tuy bỏ qua đường lối của Chúa, nhưng họ lại có lòng ăn ăn sám hối để trở về. Chúa Giêsu đến với họ là để mở đường cho họ được làm hòa với Chúa. Ngược lại, những người Pharisêu và các kinh sư cũng không khác gì người con cả, họ mang não trạng làm công mà thôi. Họ chỉ giữ luật Chúa như những mệnh lệnh phải thi hành, chứ không mang tình yêu trong tâm hồn đối với Chúa và tha nhân. Dụ ngôn này cũng nhằm thức tỉnh và mở đường cho họ ăn năn sám hối để thay đổi lối suy nghĩ và hành động của họ.

Dụ ngôn này giúp chúng ta cũng suy nghĩ về cuộc sống của mình. Cuộc sống của chúng ta không chia cắt rõ rệt là mình giống người con thứ hay người con cả. Thực ra, chúng ta đều có những nét của cả hai người con trong tâm hồn và lối sống của mình. Cũng có khi chúng ta vượt ra được hai lối sống đó để có những khoảnh khắc, những khoảng thời gian sống theo tư cách con cái thực sự của Thiên Chúa.

Khi nhìn lại cuộc sống, chúng ta thấy nhiều lần mình lại sa vào những lỗi phạm như người con thứ. Chúng ta thường nhân danh tự do để làm những điều trái ý Chúa và nghĩ rằng như thế là đúng đắn. Thực ra tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm. Một thứ tự do như thế chỉ gây ra xáo trộn trong cuộc đời của mình và của người khác. Tự do như thế không phải là tự do thực sự của con cái Thiên Chúa, nhưng là làm nô lệ cho bản năng và cho tội lỗi mà thôi.

Khi tự do tuân theo bản năng, thì kẻ sử dụng tự do như thế tự giáng mình xuống mức độ thú vật, vì thú vật chỉ sử dụng bản năng chứ không sử dụng lý trí. Thú vật không có lý trí. Tự do chân chính là khả năng lựa chọn những điều thiện hảo để làm. Những điều thiện hảo bao giờ cũng phù hợp với lý trí và bản chất của con người. Tự do chân chính cũng là tự do của những người con cái Chúa. Tự do này đem lại lợi ích cho chính mình và tha nhân, vì tự do này hòa hợp ý mình với ý Chúa và ý tha nhân.

Nhìn lại cuộc sống mình cũng là dịp chúng ta cảm nhận lòng thương xót của Chúa, nhất là trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này. Thiên Chúa là người Cha nhân từ luôn mong chờ chúng ta trở về với tình yêu Chúa và sống trong tình yêu đó ngay đời này cũng như đời sau trên Thiên Đàng. Vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, nên Ngài kiên nhẫn, mặc dầu loài người chúng ta làm nhiều chuyện trái ngược với ý muốn thánh thiện của Ngài. Cho dù có lúc chúng ta gạt Chúa qua một bên để chạy theo những quyến rũ của thế gian, Ngài vẫn kiên nhẫn để chúng ta có cơ hội trở về với Ngài. Chúng ta không nên chần chờ, bởi vì cơ hội và thời gian của chúng ta có hạn. Sự chết sẽ đến bất cứ lúc nào. Bấy giờ, chúng ta phải chấp nhận hậu quả phát xuất từ khả năng tự do và sự chọn lựa của mình. Chúa không những nhân từ mà còn công bình. Vì Chúa nhân từ nên Ngài kiên nhẫn, tạo nhiều cơ hội, và gởi đến nhiều dấu hiệu để chúng ta thức tỉnh cùng canh tân cuộc sống. Vì Chúa công bình nên Ngài tôn trọng tự do của chúng ta, để chúng ta nhận lấy trách nhiệm cũng như hậu quả do hành động của mình làm ra.

Dụ ngôn người cha nhân hậu là lời nhắn nhủ và là dấu hiệu nhắc nhở chúng ta nhìn lại cuộc sống để sám hối, trở về và canh tân. Dụ ngôn này cũng là hướng đi cho chúng ta trong năm thánh này. Khi nhìn lại đời sống của mình, chúng ta sẽ nhìn thấy ơn lành của Chúa, cảm nhận tình yêu của Ngài và lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến. Xin cho chúng ta luôn sống trong tình yêu của Chúa ở đời này và mai sau trên Thiên Đàng.