Đức Tính Khiêm Nhường

Chúa Nhật 22 Thường Niên, Năm C
Lc 14:1.7-14

Anh chị em thân mến,

Khiêm nhường là một đức tính cần thiết trong quan hệ giữa loài người với nhau. Khiêm nhường cũng là một yếu tố của đức tin Công Giáo. Trong khung cảnh một bữa ăn, Chúa Giêsu đã dạy dỗ những người hiện diện về đức tính khiêm nhường.

Khi còn tại thế, Chúa Giêsu đã trở nên một vị thầy nổi tiếng trong xã hội Do Thái. Chính vì vậy mà Ngài được mời dùng bữa với những người có thế giá trong xã hội. Trong đoạn Tin Mừng của thánh Luca 14:1.7-14, Chúa Giêsu được mời đến dùng bữa ở nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu. Họ mời ngài dùng bữa không phải vì thật lòng, nhưng là cố ý tìm cách triệt hạ uy tín của Ngài. Họ cố ý dò xét thái độ và hành động của Ngài. Bởi vì uy tín của Ngài khiến họ ghen tức. Lề lối hành xử của Ngài khiến họ lo sợ xã hội xáo trộn, làm ảnh hưởng tới địa vị của họ.

Trong bữa ăn, Chúa Giêsu nhận thấy, khách dự tiệc cứ tranh nhau tìm chỗ cao trọng nhất mà ngồi, nên Ngài khuyến cáo họ đừng tự tìm vinh quang cho mình. “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 14:11) Thật vậy, những người tự tìm vinh quang cho mình đều không đem lại sự kính phục của người khác.

Ngược lại đức tính khiêm nhường sẽ đem lại nhiều lợi ích cho đời sống cá nhân và tập thể. Khiêm nhườnng là biết sự thật về chính mình. Theo quan điểm đức tin, tất cả mọi người đều là thụ tạo trước mặt Chúa. Con người không tạo cho mình sự sống và các khả năng riêng. Tất cả những điều đó là do Chúa ban. Tuy rằng con người góp phần phát triển khả năng riêng của mình trong các phạm vi của đời sống, nhưng khả năng của con người đã được ban sẵn rồi như những kho tàng ẩn dấu trong bản tính của mình. Con người chỉ việc khám phá và phát triển mà thôi. Vì vậy, tất cả mọi sự đều là ân sủng. Do đó, không ai có thể khoe khoang hay tự đắc về tài năng của mình.

Khiêm nhường là nhận thức được rằng mỗi người đều có giới hạn, nên chỉ có thể phát triển được một số tài năng nào đó mà thôi. Ngay cả nhữngtài năng của mình vẫn luôn có giới hạn và cần phải thăng tiến luôn mãi. Về phía người khác, họ cũng có những khả năng riêng của họ. Do đó, khiêm nhường thúc đẩy chúng ta kính trọng kẻ khác vì họ là con cái Chúa, vì họ bình đẳng với chúng ta và vì họ cũng có những khả năng riêng.

Khiêm nhường còn cho thấy rằng bất cứ một thành công nào của chúng ta cũng đều là kết quả của sự đóng góp từ nhiều người chung quanh. Xét tận căn, không ai có thể tự mình làm nên mọi việc, nhưng đều phải dựa vào người khác. Vì vậy, sự hình thành cuộc sống của một cá nhân chính là kết quả ơn Chúa và sự góp phần của xã hội.

Khiêm nhường giúp chúng ta mở lòng ra với kẻ khác. Chúng ta sẽ dễ gần gũi họ. Họ cũng dễ đến với chúng ta. Chúa Giêsu thu hút nhiều người đến với Ngài không phải chỉ vì Ngài giảng hay và chữa lành bệnh hoạn tật nguyền, nhưng còn vì Ngài đến với mọi người không loại trừ ai, nhất là những người thu thuế và tội lỗi; họ là những thành phần bị khinh rẻ trước mặt những kẻ quyền thế, những kẻ tự cho mình là công chính.

Khiêm nhường giúp chúng ta biết lắng nghe ý kiến người khác, nhờ đó chúng ta phán đoán và hành xử khôn ngoan hơn. Bởi vì, ý kiến của nhiều người giúp chúng ta nhìn thấy vấn đề rõ ràng hơn từ nhiều góc cạnh khác nhau.

Khiêm nhường đem lại hòa thuận trong gia đình và trong các nhóm. Khi ý thức về sự giới hạn của mình và khả năng của người khác, chúng ta sẽ biết kính trọng và lắng nghe nhau. Bất cứ một người nào cũng có những điều hay để chúng ta học hỏi mà làm giàu cho sự hiểu biết và đời sống của mình. Khi chúng ta kính trọng người khác, tự nhiên họ sẽ kính trọng chúng ta. Như thế, mọi người trong gia đình hay trong nhóm sẽ lắng nghe nhau. Từ đó, các vấn đề sẽ được giải quyết êm ái nhẹ nhàng trong hòa khí và yêu thương.

Để có thể giúp chúng ta đào luyện đức tính khiêm, chúng ta cần có thói quen dừng lại vài giây phút để suy nghĩ về những gì xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Việc suy nghĩ về những biến cố xảy ra trong cuộc sống sẽ giúp cho mình nhìn thấy nhiều việc lạ lùng Chúa làm cho mình. Chúng ta cũng nhận ra sự giúp đỡ của nhiều người xa gần. Từ đó, chúng ta sẽ có lòng tri ân cảm tạ và phó thác. Mẹ Maria luôn suy nghĩ về những gì xảy ra trong cuộc sống, nên Mẹ nhận ra sự hiện diện của Chúa, tình yêu và ân sủng của Ngài. Mẹ sống trong an vui và phó thác.

Trong khi kiêu ngạo là đầu mối của các thứ tội, thì khiêm nhường là đầu mối của mọi nhân đức. Kiêu ngạo đẩy đưa con người vào tính ích kỷ. Người kiêu ngạo chỉ nghĩ đến cái tôi của mình mà thôi. Họ chỉ làm sao thu tích của cải, tìm kiếm quyền lực và tạo lập danh giá cho riêng mình chứ không quan tâm đến lợi ích của tha nhân. Nếu họ có bỏ tiền bạc ra giúp người khác, thì cũng chỉ là để mua lấy vinh quang chúc tụng cho mình mà thôi. Chính vì vậy mà nhiều khi đằng sau bộ mặt bác ái là một cõi lòng chất chứa đầy ích kỷ và kiêu ngạo. Ngược lại, khiêm nhường luôn giúp chúng ta ý thức về người khác, quan tâm đến lợi ích của họ. Do đó, người khiêm nhường dễ biết cảm thông với hoàn cảnh, nhu cầu, cảm xúc và lề lối suy nghĩ của người khác. Từ đó, người khiêm nhường cư xử tế nhị và khôn ngoan trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc đời. Có thể nói rằng, khiêm nhường là linh hồn của bác ái và công bình, bởi vì khiêm nhường luôn hướng về tha nhân. Kết quả là khiêm nhường luôn đem lại hiệp thông và yêu thương.

Khiêm nhường mời gọi chúng ta nhớ đến lời Chúa Giêsu Kitô: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11:29). Chúng ta hãy noi gương Chúa và học nơi Ngài sự khiêm nhường. Xin cho chúng ta mỗi ngày biết sống đức khiêm nhường để xây dựng hòa bình trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Có như thế chúng ta mới xứng đáng là con cái Chúa, như Chúa dạy bảo: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9).