Diễn Đàn Tín Hữu »

Đi Thăm Trại Tạm Giam Baxter 3

Năm ngoái cũng vào dịp gần tết nguyên đán, chúng tôi đi thăm trại tạm giam Baxter. Như vậy là đã một năm trôi qua, hôm nay chúng tôi mới trở lại thăm trại Baxter. Một năm đối với những người sống trong trại tạm giam Baxter, chắc hẳn phải là những ngày tháng dài lê thê, nhưng một năm của chúng tôi là những ngày tháng tất bật như chạy đua với thời gian, và rốt cuộc thì vẫn thấy mình chưa làm được gì? Hôm nay chợt nhớ đến những người trong trại Baxter thì đã một năm trôi qua. Lần này chúng tôi đi gồm có mười người, có cha Huy cùng đi với chúng tôi, cha con chúng tôi hẹn gặp nhau lúc 7 giờ sáng thứ Sáu, ngày 26-01-07 tại trung tâm Đức Mẹ Thuyền Nhân. Đúng 7 giờ rưỡi sáng chiếc xe van chở chúng tôi bắt đầu ra khỏi trung tâm, để bắt đầu trên con đường dài đi về hướng Port Augusta.

Sau 4 tiếng đồng hồ lái xe chúng tôi mới tới được trại tạm giam Baxter. Lần này chúng tôi gặp những nhân viên trại rất là tử tế, nên chúng tôi không mất nhiều thời gian để làm thủ tục check in. Check in xong, chúng tôi được dẫn sang phòng tiếp tân, vào đến phòng tiếp tân là đã gần 12 giờ trưa. Nhân viên ở đây cho chúng tôi biết là, ở đây có tất cả hai mươi người, nhưng hôm nay là ngày lễ quốc khánh (Australia day) có một số người được dẫn ra ngoài chơi, nên chúng tôi chỉ gặp được có bốn người đàn ông đến từ bốn quốc gia khác nhau. Những quốc gia này là: Philippine, America, England, và Việt Nam. Anh người Việt Nam không ở chung với ba người này, mà ở một chỗ khác khá xa, nhân viên của trại phải lấy xe chở anh đến đây cho chúng tôi gặp anh. Mấy lần trước chúng tôi đến đây cũng đã gặp anh, nên lần này gặp lại thì cũng như gặp lại người quen thân, anh kể cho chúng tôi biết là: có hai anh người Việt Nam đã được ra ngoài tự do, và một anh thì bị trở về Việt Nam, anh còn cho biết thêm là có hai gia đình người Việt mới chuyển về đây. Tất cả chúng tôi cùng ăn trưa với nhau, vừa ăn chúng tôi vừa nói chuyện hỏi thăm nhau, chúng tôi còn bày ra những trò chơi nho nhỏ để mọi người cùng chơi cho vui. Ở giữa chúng tôi không hề có sự phân biệt chủng tộc, hay một phân biệt nào khác, vì trước mặt Chúa mọi người đều bình đẳng như nhau. Qua những câu chuyện trao đổi và sự chứng kiến tại chổ, chúng tôi thấy những người bị tạm giam ở đây được đối xử tương đối rất nhân đạo, họ có đầy đủ tiện nghi để chống lại thời tiết nóng hay lạnh. Điều này cũng rất dễ hiểu, vì nước Úc là một nước văn minh, nên họ đối xử với con người phải văn minh, chứ không thể tồi tệ và dã man như trại cải tạo của xã hôi chủ nghĩa Việt Nam được. Mặc dù những người ở trong trại tạm giam này được đối xử đàng hoàng, nhưng họ cũng chỉ giống như những con chim bị nhốt trong cái lồng son thực đẹp, và mỗi ngày nhìn ra ngoài chúng đều mơ ước được tung đôi cánh bay ra ngoài bầu trời tự do.

Thời gian hai tiếng trôi qua rất nhanh, chúng tôi phải chào tạm biệt những người ở lại. Chúng tôi có hứa hẹn sẽ trở lại thăm họ. Lần này chúng tôi được phép để đồ ăn lại trong tủ lạnh của phòng tiếp tân, và những người ở lại cũng được take away đồ ăn về phòng của mình. Không như lần trước, những thức ăn còn dư chúng tôi phải đem về chứ không được để lại, ngoại trừ những đồ ăn khô thì phải ký gởi ở ngoài nhờ nhân viên họ chuyển vào. Lúc chúng tôi ra về nhân viên trại cũng chở anh người Việt Nam về lại chổ cũ, nhân viên ở đây đồng ý cho xe của chúng tôi chạy theo xe của họ sang khu bên kia để thăm hai gia đình người Việt Nam. Nhưng khi đến nơi chúng tôi không được phép vào bên trong, mà chỉ được gởi một số đồ ăn qua cái cổng song sắt kiên cố. Chúng tôi phải chào tạm biệt anh người Việt Nam ở ngoài cổng. Khu trại này nằm giữa khu cư dân, nhìn nó có vẻ phố xá hơn khu bên kia, nên chúng tôi nói với anh người Việt trong trại Baxter là: ở ngoài đây gần nhà dân chắc là thoải mái hơn? Anh cười cười đưa tay đập đập vào cái cổng sắt và nói “Nhưng vẫn còn vướng cái hàng rào này!”. Vâng, chỉ có cái hàng rào này thôi, nhưng bên trong và bên ngoài hàng rào là khác biệt nhau rất xa, dĩ nhiên bên ngoài hàng rào là tự do, nhưng thực sự chưa chắc đã là hoàn toàn tự do, vì con người ở đâu cũng thường hay đày đọa lẫn nhau, có khi còn tự mình đày đọa chính mình nữa, rồi lại than * “Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây?”. Nếu chúng ta ý thức rằng trên trái đất này có nhiều người sống trong những hoàn cảnh bi đát, nhưng họ vẫn muốn sống và vẫn hy vọng một ngày mai tươi đẹp hơn. Nếu hiểu như vậy, chúng ta sẽ thấy mình không có gì để than van cả.

Chúng tôi đã bỏ ra gần 8 tiếng đồng hồ của thời gian đi và về, nhưng chỉ được gặp những người trong trại Baxter có 2 tiếng, nhưng dù sao thì đây cũng là những cố gắng của chúng tôi muốn làm việc bác ái đối với tha nhân, cho dù những cố gắng này chỉ đem lại một tiếng cười cho ai đó, thì cũng đáng đồng tiền bát gạo lắm.

Khách Đến Thăm