YÊU MẾN THỰC SỰ

Chúa Nhật 6 Phục Sinh Năm A
Ga 14:15-21

Anh chị em thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay là một phần của những lời Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ trước khi Ngài chịu khổ nạn. Nói cách khác, đây là một phần của bản di chúc Chúa để lại cho họ trước khi Ngài rời xa họ.

Ngài cho họ biết rằng chẳng bao lâu nữa thế gian sẽ không thấy Ngài, nhưng các môn đệ sẽ thấy Ngài. Thế gian sẽ không thấy Chúa, bởi vì khi Chúa bị giết chết trên thập giá và mai táng, thì kể như Ngài không còn hiện diện đối với thế gian nữa. Các nhà lãnh đạo Do Thái đương thời sẽ không còn thấy Chúa nữa. Những người khác cũng vậy, bởi vì Chúa đã đi vào một thế giới khác. Nhưng các môn đệ được thấy Chúa, vì sau khi Phục Sinh, Chúa hiện ra với họ để họ được thấy Ngài. Ngài ở với họ 40 ngày trước khi về trời (Cv 1:3). Họ thấy Thầy của họ và họ vui mừng. Ngay cả chúng ta cũng vậy, trong những ngày tháng cách ly xã hội vì đại dịch Covid-19, mỗi khi nghe được giọng nói của người thân hay bạn bè, chúng ta vui mừng, và khi được dịp thấy mặt họ, chúng ta còn vui mừng hơn nữa. Chúng ta có thể mường tượng ra nỗi vui mừng của các môn đệ Chúa Giêsu thời xưa khi họ thấy Ngài đến với họ trong thân xác phục sinh. Các môn đệ còn thấy Chúa theo phương diện đức tin. Sau khi Chúa về trời, họ thấy Chúa hiện diện trong các Bí Tích, trong các giờ kinh nguyện, trong tha nhân và trong mọi biến cố của thế giới. Họ cũng sẽ thấy Chúa khi họ chấm dứt cuộc sống trần thế. Cuối cùng, họ cũng sẽ thấy Chúa khi Ngài biểu lộ vinh quang trọn vẹn vào ngày tận thế, ngày Ngài đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Chúa Giêsu cũng nói với các môn đệ là Ngài sẽ xin Chúa Cha ban cho họ Đấng Bảo Trợ khác. Khi nói đến Đấng Bảo Trợ khác, chúng ta hiểu rằng Đấng Bảo Trợ thứ nhất chính là Chúa Giêsu Kitô. Sau khi Chúa Giêsu Kitô rời xa các môn đệ Ngài sẽ gửi Đấng Bảo Trợ Khác, đó là Thần Khí Thiên Chúa, hay là Chúa Thánh Thần. Ngài ở giữa các môn đệvà trong các môn đệ để liên kết họ với Chúa Giêsu Kitô và với nhau. Cho nên Chúa Thánh Thần hiện diện để xây dựng sự hiệp nhất giữa các môn đệ. Ngài cũng là Thần Khí sự thật. Ngài sẽ giúp các môn đệ hiểu được những gì Chúa Giêsu dạy dỗ và đem ra thực hành.

Chúa Giêsu còn bảo các môn đệ rằng ai có và giữ các điều răn của Ngài thì kẻ ấy mới thực sự yêu mến Ngài. Các điều răn của Chúa tóm gọn vào hai điều răn căn bản là mến Chúa yêu người. Nhưng để thực hành hai giới răn này, chúng ta nhận thấy có rất nhiều điều cụ thể trong giáo huấn của Chúa; chẳng hạn Chúa dạy hãy cử hành việc bẻ bánh mà nhớ đến Chúa, nên chúng ta cử hành Thánh Lễ; Chúa dạy là đi khắp tứ phương thiên hạ và làm cho người ta trở thành môn đệ, nên chúng ta có bổn phận rao giảng Tin Mừng; Chúa dạy cử hành các Bí Tích nên Giáo Hội thực hiện và còn rất nhiều giáo huấn cụ thể khác.

Mến Chúa đòi hỏi thời gian để tiếp cận với Chúa bằng cách tham dự Thánh Lễ và những giờ kinh nguyện. Chúa Giêsu đã làm gương qua việc cầu nguyện liên lỉ. Ngài tham gia giờ cầu nguyện tại hội đường vào ngày Sabát hằng tuần, Ngài dự lễ Vượt Qua hằng năm tại Giêrusalem. Trong thời gian rao giảng, Chúa gặp gỡ nhiều người và đem đến cho họ niềm hy vọng bằng lời nói khích lệ, thái độ cảm thông và cử chỉ yêu thương của Ngài. Theo nhu cầu của dân chúng, Ngài đã chữa lành bệnh hoạn tật nguyền, nuôi dưỡng thể xác của họ qua phép lạ hóa bánh ra nhiều… Nói cách khác, Chúa Giêsu Kitô thực hiện lòng mến Chúa yêu người, và Ngài dạy chúng ta đi theo con đường đó. Vì vậy, nếu người tín hữu chỉ đi nhà thờ, đọc nhiều kinh và thuộc nhiều kinh, nhưng không thực hành những cử chỉ tôn trọng và bác ái đối với người khác, thì người đó chưa thực sự là mến Chúa yêu người.

Ngược lại một người biết tôn trọng người khác và bác ái với tha nhân, nhưng không đến nhà thờ để tôn thờ Chúa cùng với Giáo Hội thì cũng chưa phải là môn đệ thực sự của Chúa. Yêu mến Chúa đòi hỏi thời gian dành riêng để đặc biệt biểu lộ tấm lòng tôn thờ yêu mến của mình đối với Ngài. Thêm vào đó, Chúa không kêu gọi từng cá nhân riêng rẽ, nhưng muốn họ gia nhập vào Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa, là đại gia đình thiêng liêng của Ngài.

Khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ vào thời xưa, Ngài cũng quy tụ họ lại với nhau chung quanh Ngài để học hỏi, chia sẻ cuộc sống và nâng đỡ lẫn nhau trong tình yêu. Xét cho cùng, trong tình yêu không có chỗ cho tình trạng cá nhân chủ nghĩa cực đoan. Bởi lẽ, bản chất của tình yêu là luôn hướng về người khác, đón nhận người khác và kết hợp với người khác. Do đó, người môn đệ của Chúa phải yêu mến Chúa trong nhà thờ và ngoài nhà thờ, trong các giờ phụng vụ và kinh nguyện cũng như trong các giao tiếp xã hội hằng ngày.

Khi sống thực sự giới răn mến Chúa yêu người, chúng ta sẽ cảm thấy niềm vui sâu xa trong tâm hồn mình. Chúng ta nhớ lại xem, có những lần chúng ta làm một việc lành để giúp người khác, chúng ta cảm thấy rất vui. Có khi, chúng ta miễn cưỡng giúp cho người khác, nhưng sau khi thực hiện điều tốt, chúng ta thấy vinh dự và vui thú vì mình đã làm một việc tốt. Nhân chi sơ tánh bổn thiện. Từ ban đầu, bản tính của con người đều tốt. Chính vì bản tính hướng thiện, nên khi làm điều thiện chúng ta vui vì thể hiện được bản tính của mình.

Chúa Giêsu Kitô đã từng nói: “Chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà.16 Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 515-16. Khi chúng ta chịu phép rửa tội, chúng ta được trao một ngọn nến và được nhắc nhủ là là gìn giữ ngọn lửa đức tin cháy mãi cho đến khi ra trước tòa Chúa. Như thế, đèn đức tin của chúng ta không thể bị che kính nhưng cần phải tỏa sáng để soi chiếu mọi người chung quanh. Đèn đức tin trong tâm hồn chúng ta phải được biểu lộ bằng hành động thiện hảo để soi sáng cho người khác, đem lại cho họ niềm vui, niềm hy vọng. Cùng một lúc, họ sẽ được khuyến khích nhờ gương lành đó để bước đi trong ánh sáng của sự thiện. Họ sẽ biểu lộ sự thiện cho người khác qua các hành vị tốt hảo. Họ đã nhận được lòng tốt, thì sớm muộn gì họ cũng ban phát lòng tốt cho người khác. Nếu điều xấu có thể lây nhiễm như một thứ dịch bệnh, thì lòng tốt cũng ảnh hưởng tích cực lên môi trường chung quanh để xua tan bóng tối của tội lỗi, đau khổ và sợ hãi trong cuộc đời trần thế.

Khi mến Chúa yêu người thực sự, khi sốt sắng tham dự Thánh Lễ và kinh nguyện hằng ngày cũng như thực hành công bình bác ái đối với tha nhân, người tín hữu làm chứng cho niềm hy vọng của mình. Đây là niềm hy vọng vào Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, bởi vì Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Xin cho chúng ta luôn nuôi dưỡng lòng mến Chúa yêu người trong tâm hồn mình, để từ đó chúng ta thực hành các giới răn của Chúa và xứng đáng là môn đệ của Ngài.