CHỖ Ở TRONG NHÀ CHÚA

Chúa Nhật 5 Phục Sinh
Năm A

Anh chị em thân mến,

Sau khi Chúa Giêsu cho các môn đệ biết Ngài sẽ chịu khổ hình, các môn đệ xao xuyến, lo âu, nên Chúa Giêsu trấn an họ. Ngài cho họ biết rằng trong Nhà của Thiên Chúa Cha có nhiều chỗ ở và Ngài đi dọn chỗ cho họ.

Như vậy Ngài sẽ không vĩnh viễn rời xa họ, nhưng Ngài sẽ trở lại đem họ về với Ngài. Khi nói đến Nhà của Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu muốn nói đến Thiên Đàng, nơi mà Ngài sẽ tụ họp các môn đệ và những ai tin vào Ngài. Khi chịu khổ nạn trên cây thập giá, Chúa Giêsu cũng đã hứa với người trộm lành là cho anh được ở với Ngài trên Thiên Đàng (Lc 23:43). Thiên Đàng chẳng qua là ở trong vòng tình yêu của Chúa, ở trong quan hệ yêu thương của Chúa. Vì vậy, bất cứ ai đến với Chúa đều được ở trong tình yêu của Ngài, đều có chỗ trong Nhà Chúa.

Thật vậy, Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người do tình yêu của Ngài. Vì tình yêu, nên Ngài gìn giữ cả vũ trụ trong sự sống. Nếu Ngài buông ra thì mọi sự đều trở về hư vô. Do đó, vạn vật chỉ có thể hiện diện trên cõi đời này là nhờ ở trong tình yêu của Chúa. Nhưng việc đáp lại tình yêu thì chỉ có sinh vật có lý trí mới có thể thực hiện. Con người có tự do để đáp lại tình yêu của Chúa bằng cách thực sự ở trong tình yêu của Ngài, tức là làm theo điều Chúa muốn. Những người từ chối Chúa, Chúa vẫn yêu thương cho họ được sống và mở những cơ hội cho họ đáp lại tình yêu của Ngài và đến với Ngài. Tuy nhiên, cơ hội không có tính cách vĩnh viễn, nên con người phải chọn lựa theo Chúa khi có cơ hội. Khi chấm dứt cuộc sống trần thế, con người được ở trong tình yêu vĩnh cửu hay không là tùy sự chọn lựa của mỗi cá nhân.

Con người không thể đáp lại tình yêu của Chúa, nếu Chúa không đến với con người. Vì vậy, Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người trong Chúa Giêsu Kitô để con người có thể đến với Chúa. Chúa Giêsu Kitô nói rất rõ, Ngài là con đường, là sự thật và là sự sống. Ngài là con đường bởi vì chúng ta chỉ có thể đến với Ngài mới đến được với Chúa Cha. Ngài là sự thật, bởi vì Ngài mặc khải Thiên Chúa Cha cho loài người và dạy dỗ loài người sống đẹp lòng Chúa Cha. Ngài là sự sống bởi vì Ngài đem đến cho con người sự sống sung mãn đời này và đời sau.

Vì Chúa Giêsu Kitô mặc khải Thiên Chúa Cha cho loài người, nên ai thấy Chúa Giêsu là thấy Chúa Cha. Chúa Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình. Thực ra, Thiên Chúa cao vời vượt xa loài người. Con người không thể đối diện với Chúa nếu Chúa không cho thấy. Vả lại, con người sống trên trần thế, có nhiều giới hạn, lỗi lầm, nên không thể nhìn thấy Chúa cách trực diện, vì Chúa là Đấng Thánh, và vinh quang của Ngài chói ngời vượt quá sức chịu đựng của loài người. Nếu mặt trời ban trưa làm cho chúng ta chói mắt không nhìn thẳng được, thì huống hồ là Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu cho Phêrô và các bạn chài đánh được một mẻ cá lớn, ông đâm sợ hãi và nói rằng: “Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5:8). Ông biết rằng một phép lạ như thế chỉ có thể đến từ một người thánh thiện; một người thánh thiện là một người gần gũi với Chúa, Ngài là nguồn suối của sự thánh thiện. Trong kinh nghiệm thông thường của loài người, khi lầm lỗi ai nấy đều cảm thấy áy náy xấu hổ. Như thế, chắc chắn trước mặt Thiên Chúa, chúng ta sẽ xấu hổ đến mức không thể chịu đựng nổi, bởi vì chúng ta ý nhận ra rằng mình quá tội lỗi và yếu hèn. Vì vậy, con người chỉ có thể thấy Chúa Cha qua Chúa Giêsu Kitô mà thôi. Các tông đồ và những người Do Thái ngày xưa được diễm phúc thấy Chúa Giêsu Kitô. Còn ngày nay chúng ta không thấy Chúa Giêsu Kitô cũng không thấy Chúa Cha, nhưng chúng ta thấy Chúa Giêsu Kitô qua Mình Máu Thánh Chúa trong Thánh Lễ, chúng ta cũng thấy Chúa Cha qua các biến cố trong đời sống và trong vũ trụ thiên nhiên.

Chúa Giêsu Kitô mặc khải Thiên Chúa và tình yêu của Ngài cho chúng ta. Trong tình yêu, Thiên Chúa thông truyền sự sống cho loài người. Chúng ta đón nhận sự sống của Chúa qua cha mẹ chúng ta. Trong khung cảnh này, chúng ta nhớ đến các người mẹ của mình. Theo truyền thống của nước Úc, Chúa Nhật hôm này dành riêng để nhớ ơn các người mẹ. Người mẹ đóng vai trò quan trọng đời sống chúng ta về nhiều phương diện, đem lại cho chúng ta biết bao nhiêu điều tốt lành. Chính người mẹ đã góp phần quan trọng để hình thành chúng ta và cuộc đời chúng ta.

Theo sách Sáng Thế Ký, con người được tạo dựng theo hình ảnh Chúa (Stk 1:27) Con người có trí khôn, khả năng yêu thương và ý chí tự do. Mỗi người đều mang hình ảnh của Chúa. Đặc biệt, người mẹ mang hình ảnh Chúa và trao ban hình ảnh đó cho chúng ta. Tình yêu mà người mẹ dành cho con cái của mình là biểu lộ của tình Thiên Chúa, bởi vì chính Thiên Chúa phú bẩm cho người mẹ cũng như mọi người khả năng yêu thương mọi người có thể liên hệ với nhau.

Đối với chúng ta, người mẹ biểu lộ tình yêu cho chúng ta qua ba khía cạnh quan trọng, đó là truyền sinh, truyền văn và truyền giáo. Người mẹ truyền sinh cho chúng ta bởi vị mẹ cưu mang và sinh chúng ta ra đời, nuôi nấng chúng ta thành người. Mẹ vất vả cực nhọc để lo lắng cho chúng ta được cơm no áo ấm và đáp ứng mọi nhu cầu vật chất của chúng ta.

Người mẹ còn đóng vai trò truyền văn. Văn ở đây có nghĩa là ngôn ngữ và văn hóa của dân tộc. Văn bao gồm tất cả mọi tập tục, giá trị đạo đức làm nên lối sống của một xã hội. Người mẹ là thầy dạy giúp chúng ta học hỏi ngôn ngữ, các giá trị đạo đức và lối sống của dân tộc. Vì vậy, người mẹ là người truyền văn.

Người mẹ còn là người truyền giáo, vì chính mẹ góp phần quan trọng trong việc truyền bá đức tin cho chúng ta. Qua lời nói, hành động và lối sống của mẹ mà chúng ta học biết Chúa và dần dà lớn lên trong đức tin Công Giáo. Gia đình là tiểu Giáo Hội, là nơi để sống đức tin và truyền bá đức tin. Do đó, người mẹ là người truyền giáo cho con cái của mình.

Trong khung cảnh của ngày nhớ ơn mẹ, vai trò truyền giáo của người mẹ là giúp chúng ta biết Chúa Giêsu Kitô là con đường, là sự thật và là sự sống. Chúng ta nhớ đến Chúa Giêsu Kitô khi còn trong thời niên thiếu đã lên Giêrusalem dự lễ Vượt Qua. Ngài ở lại trong Đền Thờ ba ngày, khiến Đức Mẹ và thánh cả Giuse lo âu tìm kiếm. Khi tìm được Ngài, cả gia đình trở về Nadarét. Tin Mừng thánh Luca cho biết, Ngài về nơi làng quê đó sinh sống và bày tỏ lòng vâng phục Đức Mẹ và thánh cả Giuse (Lc 2:51). Nói cách khác Ngài thực hành đạo hiếu đối với Đức Mẹ và thánh Giuse. Chúa Giêsu đã nêu gương sáng về lòng hiếu thảo. Luật Chúa trong điều răn thứ tư cũng dạy chúng ta hiếu thảo đối với cha mẹ. Văn hóa Việt Nam cũng đặt nền tảng trên đạo hiếu. Xã hội ở đâu cũng coi vấn đề hiếu thảo là quan trọng hàng đầu. Trong tinh thần đó, chúng ta bày tỏ lòng hiếu thảo đối với người mẹ của chúng ta trong ngày hôm nay, Ngày Các Người Mẹ.

Đối với các người mẹ đã qua đời, chúng ta xin Chúa ban cho các ngài được một chỗ trong Nhà Chúa, trong Thiên Đàng như Chúa Giêsu đã tuyên bố. Xin cho các ngài được hưởng hạnh phúc trường sinh trong tình yêu vĩnh cửu của Chúa. Đối với các người mẹ đang còn sống, chúng ta xin Chúa ban cho các bà mẹ tràn đầy ơn lành hồn xác để vui sống và xây dựng hạnh phúc gia đình, đồng thời góp phần xây dựng Nước Chúa. Xin cho các ngài luôn là nhịp cầu đưa con cái cháu chắt mình đến với Chúa Giêsu Kitô là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.