Tỉnh Thức Và Cầu Nguyện

Chúa Nhật 1 Mùa Vọng, Năm C
Lc 21: 25-28, 34-36

Anh chị em thân mến,

Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng khởi đầu năm phụng vụ mới. Trong Mùa Vọng Giáo Hội hướng lòng chúng ta về ngày kỷ niệm Chúa Giáng Sinh và đồng thời kêu gọi chúng ta suy nghĩ về ngày Chúa Quang Lâm vào lúc tận thế.

Tinh thần của Mùa Vọng là tỉnh thức và cầu nguyện. Trong bài đọc một của Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng năm C, ngôn sứ Giêrêmia tiên báo về một Đấng Cứu Thế xuất hiện từ dòng dõi vua Đavít để đem lại sự giải thoát cho dân Ngài. Đấng ấy là Đấng Công Chính sẽ đem lại công bình chính trực cho dân. Lời tiên báo này không dừng lại trong phạm vi dân Do Thái nhưng trải rộng ra để bao gồm tất cả nhân loại. Chúa Giêsu chính là Đấng Công Chính. Ngài đến để đem ơn cứu độ cho mọi người.

Trong khi chờ đợi, Giáo Hội luôn nhắc nhở tín hữu luôn tỉnh thức. Trong bài đọc hai, thánh Phaolô kêu gọi tín hữu thành Thêxalônica cố gắng sống thánh thiện hơn để chuẩn bị đón Chúa. Thánh nhân khuyến khích họ lấy tình thương làm tiêu chuẩn cho sự thánh thiện. Họ cần đối xử với nhau trong tình thương cũng như họ đã yêu thương thánh nhân (1Tx 3:12-4:2)

Trong Tin Mừng theo thánh Luca, Chúa Giêsu dùng những hình ảnh theo lối văn chương khải huyền để cho thấy những gì của thế giới này đều tạm bợ. Các hình ảnh mặt trăng mặt trời và các vì sao thường là dấu chỉ cho sự vận hành ổn định của vũ trụ cũng như cuộc sống con người. Bởi lẽ, con người phải dựa vào vũ trụ thiên nhiên để tổ chức cuộc sống của mình. Nhưng sự ổn định của vũ trụ không bền vững. Điều này cho thấy chỉ có vương quốc do Thiên Chúa thiết lập mới bền vững muôn đời.

Những gì con người cảm thấy an toàn đều bị lay chuyển. Ngày nay cũng thế, biết bao nhiêu thứ tiện nghi tạo ra cảm giác an toàn, nhưng luôn luôn có những bất ngờ xảy ra khiến chúng ta bàng hoàng sửng sốt, lo âu sợ hãi. Chính con người tạo ra đe dọa. Cũng chính con người phá vở an toàn của nhau, vì lòng dạ ích kỷ hẹp hòi.

Khi loan báo cho các môn đệ biết về ngày Quang Lâm khi Chúa đến với nhân loại trong vinh quang, Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ Ngài một vài điều. Ngài cho thấy rằng việc Ngài đến trong vinh quang nhằm mục đích cứu chuộc. Những ai tin tưởng vào Ngài và sống theo đường lối Ngài sẽ được cứu chuộc. Họ sẽ vào hưởng hạnh phúc của tình yêu vĩnh cửu cùng với Thiên Chúa và các thần thánh trên trời.

Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ là hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên. Đây là thái độ của người lành thánh, hiên ngang không có gì đáng phải xấu hổ hay sợ hãi. Chỉ những ai trung thành với Chúa mới có được thái độ này. Ngược lại, nếu cuộc đời của mình không lành thánh, liệu mình còn mặt mũi nào để ngẩng đầu lên đối diện với Chúa không? Những người sống nghịch với sự thiện, trái với lương tâm thì khó mà nhìn lên để đối diện với Chúa khi Ngài đến trong vinh quang.

Nhằm giúp các môn đệ chuẩn bị xứng đáng cho Ngày Quang Lâm, Chúa Giêsu khuyên bảo các môn đệ như sau: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất.” (Lc 21: 34-35). Qua những lời này, Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ thời xưa và cả chúng ta thời nay. Cụm từ “chè chén say sưa” đại diện cho mọi thứ lạc thú thiếu lành mạnh của thế giới trần tục khiến cho người ta khó lòng nhìn thấy viễn tượng xa hơn, rộng hơn của cuộc đời. Những lạc thú này thường khơi động bản năng và mọi giác quan của con người nên chúng có sức hấp dẫn mãnh liệt, khiến cho lòng người chìm đắm khôn nguôi. Ngay cả quyền lực cũng như danh giá phàm trần cũng có sức lôi cuốn tương tự. Từ đó, người ta dễ trở thành ích kỷ, bất công và thiếu lòng bác ái.

Bên cạnh những lạc thú, quyền lực hay danh giá phàm trần, Chúa Giêsu còn nhắc nhở chúng ta về việc “lo lắng sự đời”. Chắc chắn, cuộc sống đòi hỏi mọi người đều phải làm việc để sinh sống, tìm kiếm tiền bạc của cải để đáp ứng nhu cầu của mình. Tuy nhiên, chúng ta được nhắc nhở là đừng để việc kiếm tìm vật chất đè nặng đến nổi không còn thời giờ sức lực để xây dựng đời sống tâm linh. Thật vậy, vật chất không phải là toàn bộ cuộc sống. Vật chất cũng không phải là mục đích và ý nghĩa đời người. Vật chất cũng chưa phải là nguồn gốc đem lại hạnh phúc chân chính, sâu xa và lâu dài cho con người. Vật chất chỉ là phương tiện mà thôi.

Vì những nguy hiểm của những lạc thú, quyền lực, danh giá phàm trần và lo lắng sự đời, nên Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ là hãy tỉnh thức và cầu nguyện. Hai điều này đi đôi với nhau như bóng với hình. Phải tỉnh thức thì mới cầu nguyện được, và phải cầu nguyện thì mới thực sự tỉnh thức. Tỉnh thức và cầu nguyện giúp chúng ta ý thức được sự hiện diện của Chúa và ân sủng Ngài. Tỉnh thức và cầu nguyện giúp chúng ta ý thức rằng tuy mưu sinh hằng ngày, nhưng chúng ta biết rằng cuộc sống của mình bao gồm cả phần tâm linh thì mới trọn vẹn và cân bằng. Tỉnh thức và cầu nguyện giúp chúng ta ý thức rằng tuy chúng ta sống ở trần gian nhưng cùng đích của mình lại ở thế giới mai sau. Tỉnh thức giúp chúng ta thấy rằng mọi sự từ tư tưởng, thái độ, lời nói đến việc làm của chúng ta đều làm phát sinh những kết quả hệ trọng ở đời này và đời sau.

Tỉnh thức và cầu nguyện giúp chúng ta đối diện với chính mình, với Chúa và với tha nhân. Qua việc tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta định hướng cuộc đời của mình và giúp mình chờ đợi ngày Chúa đến. Trong mùa Vọng này, chúng ta hãy lấy lời Chúa làm kỉm chỉ nam cho mình: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc 21: 36).