Phục Sinh Phần Hồn

Chúa Nhật Phục Sinh, Năm B

Anh chị em thân mến,

Phục Sinh là ngày lễ quan trọng bậc nhất đối với người Công Giáo cũng như những người tin theo Chúa Kitô. Phục Sinh khơi dậy niềm hy vọng và thúc đẩy ta rao truyền lối sống hy vọng của Tin Mừng.

Trong phép lần hạt Mân Côi, ngắm thứ nhất của Năm Sự Mừng đọc như sau: “Thứ nhất thì ngắm. Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.” Câu kinh này chứa đựng nhiều ý nghĩa. Điều then chốt là sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Vì Ngài sống lại, nên ta mới có nền tảng để xin cho được sống lại thật về phần linh hồn. Sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô chính là nguyên nhân cho một ước nguyện như thế. Ngược lại, nếu Chúa không phục sinh, chắc chắn ta không thể cầu xin như vậy được, vì ta không có nền tảng để xây dựng lời cầu xin. Lời cầu xin bao giờ cũng đòi hỏi niềm tin. Niềm tin cần có nền tảng để đứng vững trong cuộc đời. Cũng vì thế mà thánh Phaolô nói: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cor 15:14).

Lời cầu nguyện thứ nhất của mầu nhiệm mừng nhằm mục đích xin cho ta được sống lại thật về phần linh hồn. Nhưng ta tự hỏi, linh hồn là tinh thần thì làm sao có thể chết thật hay chết giả, mà cần phải sống lại? Xét theo bản chất, linh hồn không bị hủy diệt khi ta chết. Vậy thì ta phải hiểu sự chết của linh hồn chết như thế nào? Linh hồn chết là khi linh hồn tách rời khỏi mối liên hệ với Chúa. Sự tách rời này là do tội lỗi của linh hồn. Do đó, ngay khi còn sống tại thế, một cá nhân đang sống vẫn có thể là một người đang chết về phần hồn vì người đó theo đuổi con đường tội lỗi. Tình trạng tử vong phần hồn tại thế vẫn có thể được phục sinh nhờ vào hành động sám hối và trở về với Chúa qua Bí Tích hòa giải. Cho nên, Giáo Hội luôn kêu gọi người ta sám hối để trở về với Chúa, nhờ đó họ được sống lại về phần linh hồn.

Bao lâu còn tại thế, thì bấy lâu cá nhân còn cơ hội, nhưng một khi đã chết thì hết cơ hội, ngay cả cơ hội trở về với Chúa. Vì thế, một người từ trần khi linh hồn vẫn còn ở trong tình trạng tách rời khỏi Chúa vì tội trọng, thì không thể có chuyện sống lại về phần linh hồn nữa, bởi vì linh hồn đó đã đi vào cõi chết đời đời, tức là hỏa ngục. Đó là tình trạng tách rời vĩnh viễn khỏi quan hệ yêu thương với Chúa và các thần thánh trên Thiên Đàng. Trong bối cảnh này, Giáo Hội không thể cử hành Bí Tích Rửa Tội cho người đã chết, hay tha tội cho người đã từ trần, vì các Bí Tích của Giáo Hội chỉ dành cho người sống trên trần thế mà thôi. Còn khi đã chết, thì số phận của cá nhân tùy vào lòng nhân từ của Chúa. Công việc Giáo Hội có thể làm là cầu nguyện cho cho họ và phó thác họ cho Chúa.

Việc “sống lại thật về phần linh hồn” còn là lời kêu gọi ta sống xứng đáng với Chúa Phục Sinh. Trong Tin Mừng, khi Chúa Giêsu cho con gái ông Giaia sống lại, Ngài bảo người ta cho con bé ăn (Mc 5:43). Điều này là để chứng minh con bé sống lại thật và đồng thời nuôi dưỡng thân xác nó. Nếu thân xác sống lại cần được nuôi dưỡng như thế, thì linh hồn cũng cần được nuôi dưỡng để có thể thăng tiến trong quan hệ yêu thương với Chúa và tha nhân. Việc bồi dưỡng linh hồn diễn ra qua việc kinh nguyện, suy niệm học hỏi lời Chúa, siêng năng lãnh nhận các Bí Tích, hăng say làm việc bác ái. Ta hãy tự hỏi trong đời sống hằng ngày ta dành được bao nhiêu thời gian để bồi dưỡng linh hồn?

Trong việc giao tế hằng ngày, ta thường chúc nhau là “hồn an xác mạnh” hay “mạnh hồn khỏe xác.” Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ta thường bỏ công rất nhiều để lo cho thân xác được khỏe mạnh và thoải mái, còn thời giờ sức lực dành cho phần hồn rất ít. Cũng vì thế mà rất nhiều lúc ta thấy hồn không an và không mạnh. Hồn không an, vì ta áy náy lương tâm do hành động sai trái. Hồn không an vì ta thiếu tinh thần phó thác vào Chúa. Hồn không an vì ta có quá nhiều toan tính trần tục. Tương tự như thế, hồn không mạnh vì ta thiếu lời Chúa cư ngụ trong hồn để khuyến khích, để tăng cường sức mạnh và để soi đường chỉ lối cho ta. Hồn không mạnh vì ta thiếu các sinh hoạt bồi bổ tâm linh. Cho nên, lời cầu xin cho được sống lại thật về phần linh hồn thúc đẩy ta dấn thân hợp tác với ơn Chúa để phục sinh chính mình, chuẩn bị cho ngày đại phục sinh vào lúc tận thế, khi Chúa hoàn thành công cuộc thiết lập Vương Quốc của Ngài.

Sống lại thật về phần linh hồn cũng là lời kêu gọi ta sống hy vọng, lạc quan và làm cho tha nhân cũng được hy vọng và lạc quan như thế. Ta là môn đệ của Đấng Phục Sinh. Với tư cách này, ta không thể sống theo lối than thân trách phận, nhưng là sống với niềm vui. Một người tín hữu buồn là một người tín hữu chưa trọn vẹn. Bởi vì ý nghĩa phục sinh chưa thấm sâu vào cuộc đời người đó. Nếu sứ điệp phục sinh thực sự đánh động sâu xa người tín hữu, thì người đó sẽ nhìn thấy rất nhiều điều tốt nơi chính mình, nơi tha nhân, và nơi thế giới chung quanh. Khi cảm nhận được như thế, cuộc sống người đó sẽ tỏa sáng niềm vui và hy vọng vào trần gian. Khi đó, người tín hữu đã thực hiện lời nhắn nhủ của Chúa: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5:14).

Trong niềm hân hoan cử hành lễ Phục Sinh, ta hãy xin cho mình được sống lại thật về phần linh hồn. Có như thế, thì mỗi hành động yêu người, mỗi lời nói thân ái, mỗi thái độ ân cần và toàn thể cuộc sống yêu thương lạc quan của ta sẽ chiếu giải vào thế giới chung quanh niềm hy vọng và niềm vui của Đấng Phục Sinh, Người là Đấng hằng sống và hiển trị đến muôn thuở muôn đời.