Biểu Tượng Hạt Lúa

Chúa Nhật 5 Mùa Chay, Năm B

Anh chị em thân mến,

Hạt lúa là hình ảnh cụ thể và sâu xa mà Chúa Giêsu dùng để nói về mầu nhiệm Vượt Qua. Ta hãy cùng nhau suy nghĩ về giáo lý hàm chứa trong biểu tượng này để ứng dụng vào đời sống.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12:24-25).

Khi tuyên bố về hạt lúa như thế, Chúa ám chỉ Ngài sẽ phải chết để chiến thắng sự chết qua cuộc phục sinh. Với sự phục sinh Ngài sẽ khai mở một mùa gặt của sự sống vĩnh cửu. Hạt lúa nói cho ta biết về những điều quan trọng trong cuộc sống. Một điều nổi bật là có rất nhiều chuyện trên trần thế chỉ được giải quyết khi ta dám dấn thân trực diện. Chúa chỉ chiến thắng sự chết bằng cách đi qua sự chết để vượt trên sự chết. Đó là cách tìm cái sống trong cái chết. Tương tự như thế, ta có thể nêu ra nhiều thí dụ điển hình trong cuộc sống. Chẳng hạn, ta chỉ có thể lái xe được bằng cách ngồi lên xe và lái. Ta chỉ có thể thắng vượt nỗi sợ hãi nói trước công chúng bằng cách nói trước công chúng mà thôi. Trong tương quan nhân sinh, có khi ta phải chấp nhận mất lòng để tìm được sự bằng lòng lâu dài. Nói cách khác ta cần phải chấp nhận mất lòng trước để được lòng sau. Vì thế, biểu tượng hạt lúa khuyến khích ta can đảm dấn thân khi cần phải dấn thân để thăng tiến. Không có một phát triển nào mà không đòi dấn thân, không có một dấn thân nào mà không cần can đảm. Chúa Giêsu đã can đảm chấp nhận dấn thân vào đường khổ nạn để vượt qua cái chết để đi vào vinh quang phục sinh. Trước đó, Ngài đã từng run rẩy, lo sợ, bị cám dỗ chạy trốn, nhưng Ngài đã vượt qua cám dỗ sợ hãi để can đảm dấn thân. Chúng ta cũng xin cho mình có lòng can đảm như Chúa để dấn thân thực hiện những điều hữu ích.

Biểu tượng hạt lúa còn cho thấy tính chất tương đối của những thất bại trong đời sống. Cái chết của Chúa trên thập giá là một thất bại lớn lao. Chính các môn đệ đã ngã lòng vì biến cố thập giá. Hai môn đệ trên đường đi về Êmau là thí dụ điển hình về sự thất bại đó. Nhưng chính từ trong cảnh đen tối ấy, ánh sáng phục sinh đã bừng lên. Đó là thành công bật ra từ thất bại. Từ điểm này, ta được mời gọi lạc quan và hy vọng, vì mọi thất bại trên đời luôn hàm chứa thành công trong chính nó. Nói cách khác trong cái họa luôn có cái phúc. Cách ngôn có câu: “thất bại là mẹ thành công” quả đúng như thế. Do đó, khi ta bị bệnh ngặt nghèo, khi gặp tai ương, khi gặp trắc trở trong cuộc mưu sinh, ta không nên nản lòng vì điều đó chưa phải là ngõ cụt. Ngược lại, sự trắc trở đó là một chuẩn bị cho bước đường tương lai sáng sủa hơn.

Biểu tượng hạt lúa còn giúp ta sống phó thác vào Chúa. Tự trong hạt lúa đã có mầm sống cho mùa lúa mới. Mầm sống đó do Chúa mà có. Cho nên ta cần xác tín rằng trong mọi hoàn cảnh, Thiên Chúa của sự sống luôn hiện diện để săn sóc con cái của Ngài. Nếu quyền năng của Chúa hiện diện để làm hạt lúa bừng lên sự sống mới sau khi chết và mục nát, thì quyền năng của Ngài cũng hoạt trong mọi nghịch cảnh để đem lại phúc lợi cho ta. Cho nên ta cần có thái độ phó thác sâu xa vào lòng nhân hậu và quyền năng của Chúa. Chính Chúa Giêsu bày tỏ thái độ phó thác sâu xa khi Ngài thốt lên: “Lạy Cha, con phó linh hồn trong tay Cha.”

Từ biểu tượng hạt lúa, Chúa nói: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12:25). Yêu quý mạng sống mình ở đây có thể hiểu là thái độ vị kỷ, không dám trao ban, không dám hy sinh, không dám cởi mở. Theo ý nghĩa của hạt lúa, thì ta được mời gọi để chết đi đối với chính mình. Ta phải dấn thấn trọn vẹn cho Chúa, chọn ý Chúa làm ý mình. Ta phải bắt chước Chúa Giêsu là sống theo ý Chúa. Đức Mẹ Maria cũng là mẫu gương tuyệt hảo về việc chết đi đối với chính mình để sống theo ý Chúa.

Khi chết đi đối với chính mình để sống theo ý Chúa, ta sẽ quảng đại. Xét theo cách cụ thể, ta sẽ bớt tham lam chiếm hữu vật chất. Ta sẽ sống công bình, sòng phẳng trong khi buôn bán, vay mượn. Ta sẽ bớt đam mê nhậu nhẹt say sưa, như người ta hay ví von: “sáng say, chiều xỉn, tối là đà.” Lúc ấy ta sẽ sống có điều độ trong lời nói và hành động. Ta sẽ sống quảng đại và yêu thương sâu xa hơn vì ta đã thực hiện “ý Cha dưới đất cũng như trên trời.”

“Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy.” Ta hãy xin cho mình được chung thủy với Chúa để chết đi như hạt lúa và lớn lên trong sự sống mới của Chúa.