Trở Nên Bé Mọn

Chúa Nhật 14 Thường Niên, Năm A

Anh chị em quý mến,

Đoạn Kinh Thánh hôm nay cho chúng ta nếm thử khoảnh khắc thân mật giữa Đức Giêsu và Cha của Người. Đức Giêsu có mỗi liên hệ rất mật thiết với Đức Chúa Cha. Qua Đức Giêsu, các môn đệ cũng được chia sẻ vào mối liên hệ mật thiết ấy. Mối liên hệ này không dành cho những người “khôn ngoan thông thái”. Vì việc học không thể giúp họ có được mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa. Nhưng chỉ những người “bé mọn” mới có thể xây dựng được mối liên hệ này. Như thế ta cần tìm hiểu về những người bé mọn để khám phá phương thế xây dựng mối liên hệ với Thiên Chúa.

Những người bé mọn có thể được hiểu là những trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ là những con người sống chưa được lâu, học chưa được nhiều và vẫn còn phải sống dựa vào người khác. Về mọi mặt, chúng chưa có nhiều để đóng góp vào cuộc sống thế gian.

Trẻ nhỏ còn thơ ngây nên chưa biết nhiều chuyện. Đầu óc trẻ nhỏ không chất chứa hận thù và những tính toán hơn thiệt. Vì không bị chi phối bởi những ý tưởng ấy nên trẻ nhỏ học rất nhanh. Chúng sẵn sàng đón nhận tất cả những gì người lớn muốn dạy chúng, và thường ít quên những gì đã học được.

Trẻ nhỏ có đầu óc khám phá, luôn thích tìm hiểu. Vì thích tìm hiểu nên trẻ nhỏ luôn có rất nhiều câu hỏi. Chính vì trí tò mò luôn muốn tìm hiểu trẻ mới có thể phát triển.

Trẻ nhỏ luôn sẵn sàng đón nhận những câu trả lời hợp lý. Mỗi khi nhận được những câu trả lời loại này, trẻ thường tỏ ra thích thú. Vì thích thú nên trẻ luôn muốn biết thêm. Vì muốn biết thêm nên trẻ tiếp tục đặt câu hỏi.

Trẻ nhỏ không bao giờ thấy nhàm chán cuộc đời. Mỗi khi không có việc gì để làm, trẻ cảm thấy buồn. Nhưng khi có việc để làm, thì trẻ lại thấy vui vẻ lại ngay.

Trẻ nhỏ rất thương mến bạn bè cùng trang lứa. Nếu có giận hờn bạn, trẻ cũng rất mau quên, dễ dàng tha thứ và làm lành lại với bạn bè.

Trẻ nhỏ không có thành kiến xấu về người khác. Khi thương ai, trẻ nhỏ thích gần gũi và tìm hiểu thêm về người ấy và qua người ấy tìm hiểu thế giới chung quanh. Khi không thích người nào đó, trẻ nhỏ sẽ xa tránh người ấy để tự bảo vệ vì khả năng sinh tồn chứ không phải vì thành kiến.

Trẻ nhỏ chỉ có thể làm được một điều duy nhất là đón nhận tất cả những gì người ta muốn cho chúng, và có lòng yêu thương dành cho những người thương mến chúng. Ta có thể nói, trẻ nhỏ là những người hiền hậu và có lòng khiêm nhường vì chúng không thể làm hại được ai và luôn sẵn lòng đón nhận tất cả.

Trong đoạn Tin Mừng, Đức Giêsu mời gọi ta hãy đến với Người, vì Người có tâm hồn hiền lành và khiêm nhường. Đây là lời mời gọi ta trở nên hiền lành và khiêm nhường như Đức Giêsu. Ta cũng có thể hiểu đây là lời mời gọi ta hãy trở nên như trẻ nhỏ. Đức Giêsu luôn hiền lành và khiêm nhường nên Người có mối liên hệ rất thân mật với Cha của Người. Nhờ được Đức Giêsu hướng dẫn, các môn đệ là những người bé mọn nên họ cũng có mối liên hệ tốt đẹp với Thiên Chúa. Nếu mỗi người chúng ta biết đáp trả lời mời gọi của Đức Giêsu, biết trở nên hiền lành và khiêm nhường như những người bé mọn, chắc chắn ta cũng sẽ có mối liên hệ tốt đẹp với Thiên Chúa.

Làm được như thế, ta được lợi là sẽ có mối liên hệ tốt với Thiên Chúa. Bên cạnh đó, ta cũng sẽ có mối liên hệ tốt đẹp với chính con cái chúng ta, là những trẻ nhỏ. Vì ai cũng biết là trẻ nhỏ chỉ yêu mến bạn bè cùng trang lứa, và dễ dàng làm theo ý của bạn bè. Muốn con cái nghe lời, ta cần trở thành bạn của con cái. Trở thành bạn của con không có nghĩa là trở nên bằng vai phải lứa với chúng. Nhưng là trở nên gần gũi để hướng dẫn con cái ta. Làm được như vậy, ta sẽ có cơ hội hướng dẫn con cái sống đức tin và biết lối sống ở đời.

Để có thể trở thành bạn của con cái mình, ta cần có lòng hiền lành và khiêm nhường. Người không có lòng hiền lành sẽ không có đủ kiên nhẫn để trao đổi với những đứa trẻ. Những câu hỏi của trẻ nhỏ có thể làm người lớn không vui, vì không biết lối trả lời. Có nhiều người lớn không thích trẻ nhỏ chỉ vì những câu hỏi xem ra có vẻ lẩm cẩm của chúng. Thật ra, trẻ không có ác ý. Đó chỉ là những câu hỏi phát xuất theo phản ứng thích tìm hiểu của trẻ nhỏ. Ta cần kiên nhẫn với trẻ để có thể trở nên bạn, vì trẻ luôn yêu thương người thương mến chúng.

Bên cạnh đó, ta cần có lòng khiêm nhường. Vì không có lòng khiêm nhường ta cũng sẽ không thể đối thoại với trẻ. Khi đối thoại, ta cần có lòng khiêm nhường để nói sự thật với trẻ. Điều gì ta biết thì ta giải thích cho trẻ biết. Điều gì ta không biết thì cứ thành thật nói ta không biết. Sau đó, ta khiêm nhường tìm kiếm để học hỏi hầu có thể giải thích những câu hỏi con cái có thể sẽ hỏi trong tương lai.

Lạy Chúa, xin dạy con luôn biết tìm đến với Chúa bằng cả tấm lòng đơn sơ của những người bé mọn, để được Chúa yêu thương và mặc khải cho biết mầu nhiệm Nước Trời.