Bình An Của Trời

Chúa Nhật 6 Phục Sinh, Năm C
Ga 14:23-29

Anh chị em thân mến,

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy, Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14:27). Qua những lời này Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ và chính Giáo Hội món quà thiết yếu cho cuộc sống, đó là sự bình an. Có bình an mới có hạnh phúc.

Ai cũng muốn bình an. Mọi người đều nỗ lực đi tìm bình an. Tuy nhiên những cố gắng của con người vẫn không bảo đảm cho họ bình an lâu dài và sâu xa. Bình an mà Chúa ban không theo kiểu thế gian. Đối với cách hành xử của trần thế, bình an dựa vào những yếu tố bên ngoài, như của cải vật chất, công danh sự nghiệp, đất nước vắng bóng bạo động chiến tranh, quốc gia không bị tai ương thiên nhiên tàn phá... Tuy nhiên, bình an kiểu này vẫn luôn là một tình trạng mong manh, bởi vì những yếu tố ngoại tại này có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Do đó, trong sự bình an của thế gian vẫn còn lảng vảng hình bóng của lo âu bất an.

Ngược lại với bình an thế gian, Chúa Giêsu ban cho các môn đệ Ngài sự bình an của trời cao. Đây là sự bình an sâu xa, lâu dài không ai cướp mất được. Sự bình an này được ban tặng cho những ai có một niềm xác tín sâu xa về sự bao bọc chở che trong tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Chính Thánh Phaolô cảm nghiệm sự bình an này nên ngài đã viết: “Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Roma 8:38-39).

Khi ta xác tín sâu xa về tình yêu Chúa đối với ta thì dù sống trong hoàn cảnh nào chăng nữa, ta cũng cảm thấy bình an, vì có Chúa ở bên ta. Bởi vì ta không còn cô đơn nữa. Bao giờ cũng vậy, người cô đơn chắc chắn sẽ thiếu bình an, vì bình an luôn hàm ý rằng ta liên kết với kẻ khác trong yêu thương. Do đó khi ta được yêu thương, ta cảm thấy bình an. Khi ta bị bỏ rơi, ta cảm thấy hụt hẫng bất an. Vì thế, bình an luôn bao hàm sự kết hiệp với Chúa.

Để có sự bình an sâu xa, để kết hiệp với Chúa, ta cần có một lương tâm ngay thẳng. Tâm hồn ta không bị dày vò vì tội lỗi. Liên hệ giữa ta với Chúa không bị rạn nứt vì những xúc phạm đến Chúa và tha nhân. Vì thế, trong Thánh Lễ ở phần hiệp lễ, Giáo Hội cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các tông Đồ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an cho các con.” Xin đừng chấp tội chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa; xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an và hợp nhất theo thánh ý Chúa.”

Giáo Hội cầu xin Chúa đừng chấp xét tội lỗi của mình, nhưng xin Chúa nhìn vào đức tin của Giáo Hội để xóa tội cho tín hữu và đồng thời liên kết họ với Chúa trong tình yêu.

Sự bình an sâu xa mà Chúa ban chỉ đến với những kẻ có thiện chí xây dựng hòa bình mà thôi. Chúa Giêsu đến trần gian là để hàn gắn rạn nứt giữa loài người và Thiên Chúa Cha. Ngài mong muốn môn đệ của Ngài cũng xây dựng hòa bình để tạo hiệp nhất và bình an. Cho nên những kẻ gây chia rẽ giữa người với người không thể có bình an và cũng không tạo bình an cho người khác. Bài đọc thứ nhất cho thấy nội bộ cộng đoàn tín hữu Antiôkhia bị rối loạn vì một số tín hữu gốc Do thái đòi buộc người ngoài Do Thái giữ luật cắt bì mới được cứu độ. Nhưng đây là một phán đoán sai lầm vì ơn cứu độ của Chúa không bị ràng buộc bởi luật Môsê. Không thể đem tập tục riêng của một dân tộc để áp đặt lên người khác. Chính vì sự áp đặt này nên mới có chia rẽ và mất bình an. Bởi vậy, các Tông Đồ đã quyết định khôn ngoan bằng cách giới hạn vào những điều thiết yếu mà thôi.

Từ kinh nghiệm của Cộng Đoàn Antiôkhia, ta thấy để kiến tạo hòa bình giữa người với người cũng như bình an trong tâm hồn cá nhân, người tín hữu cần có tinh thần khiêm nhường, đầu óc rộng rãi để khỏi áp đặt ý kiến của mình lên kẻ khác một cách vô lý.

Chúa ban ơn bình an cho ta, nhưng có bình an hay không còn tùy ở hoàn cảnh mỗi người. Ta hãy tạo cho mình một niềm xác tính về lòng Chúa yêu thương ta. Có được niềm xác tín này thì dù có phải đối diện với sự chết, ta vẫn bình an, vì ta biết rằng Chúa luôn ở với ta.

Mặt khác ta cũng nhớ lời của Chúa nói: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9). Khi ta xây dựng hoà bình thì ta cũng được bình an vì ta liên kết với Chúa, làm theo ý Chúa và cùng một lúc ta cũng liên kết với tha nhân. Làm như thế ta sống đúng bản chất con người, vì ta được tạo dựng không phải để sống cô độc, để tạo chia rẽ, nhưng là để kết hợp trong tình yêu và sống trong bình an.