Hãy Nhận Lấy Thánh Thần

Chúa Nhật 2 Phục Sinh, Năm C
Kính Lòng Thương Xót Chúa

Anh chị em thân mến,

Một hành vi quan trọng trong bài Tin Mừng hôm nay là việc Chúa Giêsu thổi hơi vào môn đệ và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” Qua hành vi này, các môn đệ nhận được sức sống từ Chúa Thánh Thần. Họ sẽ thoát khỏi sợ hãi để mạnh dạn rao truyền Tin Mừng.

Hành vi thổi hơi là hành vi truyền sinh. Sự sống của Chúa được truyền đến cho thụ tạo qua việc này. Trong sách Khởi Nguyên đoạn 2 câu 7 cũng mô tả việc Thiên Chúa thổi hơi vào lỗ mũi của con người để thông truyền sự sống. Trong bối cảnh này, sáng tạo luôn là công việc thông truyền sự sống. Nếu không có sự sống, thì tạo vật chưa hẳn là tạo vật vì vẫn còn khô cứng trong sự chết. Bất cứ sáng tạo nào cũng thông truyền sự sống theo cấp độ và thể loại của nó.

Khi các môn đệ Chúa Giêsu ở trong nhà đóng kín vì sợ người Do Thái, họ đã nằm trong bóng tối của sự chết. Họ không hoạt động. Họ mất hướng đi. Họ hết hy vọng. Tóm lại, họ tê liệt hoàn toàn. Đó là tình trạng chết, mặc dù họ vẫn còn thở như những sinh vật khác. Vì thế, khi Chúa thổi hơi cho họ, chính Chúa ban thần khí Phục Sinh cho họ. Ngài đem họ ra khỏi tình trạng sợ hãi, tuyệt vọng, tê liệt và tối tăm.

Sợ hãi làm cho các môn đệ tê liệt. Sợ hãi cũng làm cho tâm hồn họ rối loạn. Vì thế, qua hành vi thổi hơi, Chúa đã làm một cuộc sáng tạo mới là giải thoát môn đệ khỏi sợ hãi. Từ đó họ bình an, phấn khởi và lên đường hoạt động cho việc rao giảng Tin Mừng.

Chúa còn trao quyền cho các môn đệ để nhân Danh Ngài mà tha thứ tội lỗi cho người khác. Công việc tha thứ tội lỗi cũng là cách thông truyền sự sống. Đó cũng là công việc phục sinh sự sống linh hồn cho tha nhân. Tội lỗi làm cho ta mất liên hệ với Chúa và với nhau. Tội lỗi làm cho ta chết về phần hồn, thiệt thân về quan hệ. Do đó, tha thứ tội lỗi là nối lại quan hệ, chữa lành vết thương tâm linh, phục sinh phần hồn.

Việc Chúa đến gặp các môn đệ và thổi hơi để thông truyền sự sống cho họ nói lên lòng thương xót của Chúa đối với nhân loại. Ngài muốn các môn đệ được sống và hoạt động trong ơn thánh. Ngài cũng muốn mọi người khác được sống và hoạt động như vậy. Vì thế, Ngài luôn mong chờ, kêu gọi và tạo điều kiện để mọi người tội lỗi trở về với Ngài, để được thanh tẩy trong đại dương vô biên của lòng thương xót Chúa.

Ngày hôm nay, Giáo Hội kính nhớ lòng thương xót Chúa. Ta hãy nhớ rằng lòng thương xót Chúa đã thể hiện qua cuộc khổ nạn của Ngài. Lòng thương xót của Chúa cũng đang kêu gọi chúng ta trở về với Chúa. Qua bí tích Hòa Giải, ta đón nhận được ơn tha thứ để sống đời sống mới. Quả thật, mỗi khi phạm tội ta rơi vào vùng tối của sự chết, ta vướng vào cảnh giới hỗn mang. Tâm hồn ta bất an. Ngược lại, mỗi lần ta đến với bí tích Hòa Giải, ta được an bình, tâm hồn ta tái lập trật tự. Ta được phục sinh để sống đời sống mới. Bao lâu ta còn tại thế thì bấy lâu cái điệp khúc hòa giải và phục sinh vẫn mãi mãi cần thiết. Và Chúa vẫn triền miên kêu gọi ta trở về với lòng thương xót của Ngài.

Hôm nay, ta hãy cảm tạ thật sâu xa, thật chân thành về lòng thương xót của Chúa đối với ta và toàn thể nhân loại. Ta xin Chúa cho mình luôn hướng về Ngài để cảm nhận lòng Chúa yêu thương ta vô biên. Vì chính tâm tình cảm tạ đó giúp ta tin vào Chúa nhiều hơn. Có khi ta cần tin nhiều để yêu nhiều. Nhưng có lúc ta lại cần yêu nhiều để tin nhiều. Thánh Tôma là người cần tin nhiều để yêu nhiều. Ngược lại, thánh Gioan vì yêu nhiều nên tin nhiều.

Nếu ta có tâm tình cảm tạ sâu xa, thì tâm tình này sẽ khiến ta yêu mến Chúa nhiều hơn. Khi ta yêu Chúa nhiều hơn, thì tất nhiên đức tin của ta cũng vững mạnh và sâu xa nhiều hơn.

Các môn đệ được thổi hơi để đón nhận Thánh Thần. Họ được sức sống để ra đi tha thứ cho tha nhân. Ta cũng có nhiệm vụ đó. Dĩ nhiên, việc tha thứ tội lỗi qua bí tích Hòa Giải được trao cho linh mục. Nhưng cách chung, mọi tín hữu đều được sai đi để rao giảng và thể hiện sự tha thứ giữa trần thế. Tha thứ là điều quan trọng trong mọi quan hệ giữa người với người. Nếu Chúa tỏ lòng thương xót để tha thứ cho ta và kêu gọi ta về với Ngài, thì ta cũng cần bày tỏ lòng thương xót cho tha nhân như vậy.

Khi tha thứ cho tha nhân ta cũng giải tỏa được chướng ngại trong tâm hồn mình để nhận lấy ơn Chúa. Ta sẽ được tự do, an bình, nhẹ nhàng và vui tươi hơn. Mặt khác, việc tha thứ cũng tạo cho tha nhân cơ hội để họ lớn lên trong lối sống. Có một điều quan trọng là, chỉ khi nào ta cảm nhận sâu xa lòng thương xót của Chúa, thì ta mới nghiệm thấy việc tha thứ của ta đối tha nhân chẳng đáng là gì so với ơn tha thứ của Chúa đối với ta. Xin Chúa thổi hơi Thánh Thần xuống trên ta để ta được vững mạnh mà làm chứng nhân cho lòng thương xót vô biên của Chúa.