Chúa Là Vua Của Ta

Chúa Nhật 34 Thường Niên, Năm B
Lễ Chúa Kitô Vua

Anh chị em thân mến,

Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ kính Chúa Giêsu Kitô là vua vũ trụ. Ta được mời gọi để suy nghĩ về vị trí của mình trong tương quan với Chúa.

Chúa được tôn làm vua mọi loài trên trời dưới đất. Trong công trình tạo dựng, Chúa là Ngôi Lời tác thành vạn vật, làm chủ muôn loài. Khi xuống thế làm người, Chúa biểu hiện quyền năng của Ngài trong việc làm chủ thiên nhiên và lịch sử. Ngài đã làm cho sóng gió yên lặng. Ngài trừ khử các thần ô uế. Ngài chữa lành những kẻ bệnh hoạn tật nguyền. Khi làm tất cả những điều này Ngài cho thấy Nước Thiên Chúa đang hình thành giữa nhân loại. Ngài đã từng nói: “Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11: 20).

Tuy nhiên điều quan trọng không phải là quyền năng của Chúa, nhưng là tình yêu của Ngài đối với nhân loại. Chúa không muốn dùng võ lực để ép buộc con người phải theo Ngài hay để làm chủ con người. Ngược lại Ngài muốn bày tỏ tình yêu vô bờ bến của Ngài cho ta. Do đó Ngài chờ đợi một thái độ đáp trả trong tự do. Vì chỉ có đáp trả tự do mới tạo ra tương quan yêu thương chân chính. Từ đó mới sinh hoa kết trái hạnh phúc thực sự.

Ngày hôm nay, ta hãy xem lại lòng mình đối với Chúa. Trong truyền thống văn hóa Việt Nam có câu: “Trung thần bất sự nhị quân”. Một tôi trung không thể phụng sự hai vua. Đối với quan hệ giữa ta với Chúa cũng vậy. Điều răn thứ nhất cũng nói: “Thứ nhất thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”. Vì thế vị trí của Chúa trong tâm hồn và cuộc sống của ta phải là vị trí then chốt. Thông thường, ta tổ chức cuộc sống mình theo một tư tưởng và mục đích chính. Nếu ta đặt việc kiếm tiền làm trọng tâm, thì chắc chắn những thứ khác, kể cả đức tin sẽ rơi vào hàng thứ yếu. Mọi phạm vi cuộc sống phải lệ thuộc vào trọng tâm đó. Ngược lại nếu ta đặt Chúa làm trọng tâm thì chắc chắn các khía cạnh của đời sống sẽ xoay vần theo đường lối của Chúa. Nhưng trong cuộc sống, không có lý luận rõ ràng như thế. Ta sống như con thoi, khi thì đặt Chúa làm trọng tâm, nhất là lúc gặp gian nan khốn khó. Khi thì vật chất lại làm chủ cuộc đời của chính ta. Dầu thế nào chăng nữa, một người Công Giáo buộc lòng phải đặt Chúa vào vị trí then chốt của đời mình. Có như vậy thì cuộc sống mới điều hòa và có ý nghĩa.

Việc đặt Chúa làm trung tâm không phải chỉ nằm trong tư tưởng hay một cảm xúc nhất thời, nhưng phải là con đường sống của cá nhân ta. Nó phải được diễn ra bên ngoài trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Nói cách khác, ta cần cảm nhận sâu xa Chúa hiện diện trong mọi phạm vi đời sống. Nếu như thế, thì lời ta nói sẽ chất chứa tâm tình đối với Chúa hay mang đầy tinh thần của Chúa. Ta sẽ có cảm nhận cung kính khi nghe tên của Chúa. Ta sẽ coi trọng những gì thuộc về Chúa. Ta sẽ nhìn thấy Chúa trong mọi người. Ta sẽ thấy Chúa hiện diện trong vũ trụ.

Ngày lễ Chúa Kitô Vua cũng là lúc để ta xem lại đời sống của mình. Ai đang làm chủ trong cuộc sống của ta? Ta hãy xem thái độ, lời nói, hành động của mình chịu sự hướng dẫn của ai. Của Chúa Kitô hay của các thế lực phàm trần? Nếu ta thấy rằng mình hành động theo khuôn mẫu chân chân lý, nếu ta xử sự theo lẽ công bình, nếu ta sống theo con đường bác ái, thì đó là dấu chỉ ta đặt mình dưới vương quyền của Chúa Kitô. Ngược lại, nếu ta không hành xử theo lề lối của Tin Mừng, thì coi chừng ta đang ở ngoài vương quyền của Chúa.

Lễ Chúa Kitô Vua nhắc nhở cho ta về ngày tận cùng của thế giới, khi Chúa đến để hoàn thành Nước Thiên Chúa. Mỗi người sẽ phải trả lẽ về cuộc sống của mình theo tiêu chuẩn mến Chúa yêu người. Ta không thể ngụy biện rằng Chúa nhân từ, nên Ngài không bỏ mặc ai. Do đó, ta mặc sức sống theo ý mình, không cần phải đặt vấn đề lương tâm hay tiêu chuẩn luân lý. Không! Ta không thể ngụy biện như thế vì Chúa không những nhân từ mà còn công bình. Theo khía cạnh công bình, thì việc phán xét là điều tất nhiên. Mặt khác, vì ta là sinh vật có lý trí, do đó bản chất con người của ta thôi thúc thực hiện lẽ công bình. Vì lý do đó, mỗi khi ta làm điều gì ngược với đạo lý, ta luôn cảm thấy áy náy. Bởi lẽ ta đi ngược lại bản chất có lý trí của chính mình.

Suy nghĩ về vị trí làm vua của Chúa, ta sẽ thấy nơi nào có lòng mến, nơi đó có sự hiện diện của Chúa. Nơi nào có sự hiện diện của Chúa, nơi đó thể hiện Nước Thiên Chúa. Khi đó lời kinh ta đọc đã biến thành hiện thực, chứ không chỉ đọng lại trên môi miệng mà thôi. “Nước Cha trị đến. Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Hôm nay ta cầu xin cho mình thực sự nhìn lại cuộc sống và quyết tâm chọn Chúa làm Vua của mình.