Hãy Mở Ra!

Chúa Nhật 23 Thường Niên, Năm B

Anh chị em thân mến,

Tư tưởng chủ chốt của Đức Tin Công Giáo là giải thoát. Mục Đích của Chúa xuống thế làm người là để cứu độ. Cứu độ là giải thoát loài người khỏi cảnh ràng buộc của tội lỗi và sự chết, để từ đó đi vào mối liên hệ yêu thương với Chúa và với tha nhân.

Việc Thiên Chúa giải thoát con người xuất hiện dưới nhiều dạng thái khác nhau. Tin Mừng hôm nay nói lên một khía cạnh của chương trình giải thoát. Một người vừa điếc vừa ngọng được đem đến cho Chúa Giêsu để Ngài ra tay giải thoát. Điếc thì không nghe được người khác. Vì thế, đời sống sẽ nghèo nàn về tinh thần lẫn vật chất. Xét về tinh thần, người bị điếc thiếu cơ hội để đón nhận kiến thức. Trình độ văn hóa của họ bị giới hạn, không phát triển được nhiều. Tư tưởng của một người chỉ có thể phát triển nhờ giao thoa, cọ xát với tư tưởng của người khác qua việc lắng nghe, nhìn thấy hoặc cảm giác. Một khi khả năng nghe bị mất thì việc giao thoa tư tưởng cũng đành bị giới hạn. Đầu óc vì đó mà chậm chạp.

Mặt khác, một người ngọng thì chắc chắn việc trình bày ý nghĩ của mình cũng bị giới hạn và nhiều khi méo mó. Hiểu lầm rất dễ xảy ra. Từ đó giao tiếp xã hội không còn thoải mái, nhưng gò bó, khúc mắc.

Người điếc ngọng trong Tin Mừng ở trong tình trạng giới hạn về tư tưởng cũng như quan hệ xã hội. Đó là hoàn cảnh tù đày, ràng buộc, nô lệ cho bệnh tật. Khi Chúa Giêsu chữa anh, Ngài làm những động tác như sau. Ngài ngước mắt lên trời, thở dài và nói: “Ephatha, nghĩa là: hãy mở ra!” Chúa Giêsu ngước mắt lên trời để mở lòng ra với Thiên Chúa Cha. Đồng thời, Ngài mở lòng cho người điếc ngọng và chữa lành cho anh. Lập tức tai và lưỡi anh mở ra. Từ đây anh được tự do để mở tai ra đón nhận thế giới, lãnh hội kiến thức từ người khác để làm giàu cho đời sống của mình. Lưỡi anh mở ra để làm phong phú cho sự giao tiếp xã hội của anh.

Trong đời sống của ta cũng vậy. Tuy ta không bị điếc hay ngọng về thể xác như người đếc ngọng trong Tin Mừng, ta vẫn có thể lâm vào tình trạng tương tự vì những trở ngại khác. Vì quá bận rộn với các thứ lợi lộc trần thế, hay vì thành kiến sâu đậm, ta trở thành điếc về lời Chúa, điếc về hoàn cảnh của tha nhân. Khả năng lắng nghe của ta như đặc lại. Ta không còn bén nhạy với cảm nhận sâu xa của người khác. Như thế, đối với Chúa ta khó nhận ra tiếng Ngài. Đối với tha nhân, ta cũng khó nhận ra cảm nghĩ của người bên cạnh.

Ta cũng có thể như người ngọng. Ta mất liên lạc với người khác. Hay ta gặp người khác mà không có khả năng nói cho vừa lòng nhau. Hoặc không có khả năng nói ra sự thật để công chuyện được rõ ràng. Có khi ta cũng ngọng vì không có khả năng mở miệng ra để cảm tạ Thiên Chúa về những điều kỳ diệu trong cuộc sống.

Tình trạng điếc và ngọng như trên làm giảm sút mức bén nhạy của ta về sự hiện của Chúa trong đời mình cũng như làm nghèo nàn mối liên hệ của ta và tha nhân. Vì thế, lời Chúa hôm nay nhắn nhủ ta hãy thành tâm xin Chúa chữa lành cho ta để đời sống ta được tự do và phong phú. Thật vậy, chỉ có tự do của tâm hồn mới làm cho ta thực sự tự do. Chính khi tâm hồn tự do, thì ta sống an vui. Ta dễ dàng liên hệ vơi tha nhân nhiều hơn. Chúa luôn tìm cách giải thoát ta khỏi ràng buộc. Xin Ngài giúp ta được thoát khỏi mọi thứ ràng buộc để ta thực sự lắng nghe Chúa và lắng nghe nhau. Xin cho ta biết dùng miệng lưỡi mình cách xứng hợp để liên hệ với Chúa và với nhau.

Xét về phương diện thực tiễn, nếu ta biết lắng nghe, thì chắc chắn ta sẽ hiểu được ý muốn của người khác. Từ đó, ta tránh được hiểu lầm. Ta đáp ứng nhu cầu người khác kịp thời và thích đáng. Ta sẽ làm cho việc chung được phát triễn. Đời sống gia đình trôi chảy êm đềm phong phú. Sinh hoạt tập thể nhịp nhàng, không rạn nứt.

Mặt khác, dùng lời nói khôn khéo sẽ làm cho sinh hoạt gia đình cũng như tập thể được êm xuôi. Khôn khéo trong lời nói vẫn chưa đủ. Cần phải vừa khôn khéo vừa thành thật thì mới tạo được tín nhiệm và tránh được hiểu lầm.

Tin Mừng hôm nay còn thức tỉnh ta về tầm quan trọng của khả năng nghe và khả năng nói. Đó là hai món quà quý giá mà Chúa ban cho ta để ta sống với người khác trong xã hội loài người. Nếu Không có hai khả năng này, ta không thể hợp thành xã hội, vì xã hội cần thông tin để nối kết và tổ chức. Vì thế nghe và nói là hai khả năng trọng yếu trong việc thông tin. Chúng trở thành một phần quan trọng của nền tảng xã hội.

Ta hãy tạ ơn Chúa về những khả năng này. Hơn nữa, quà Chúa ban còn bao hàm trách nhiệm nơi người sử dụng. Vậy, ta xin Chúa cho mình dùng khả năng nghe và nói một cách có trách nhiệm để xây dựng đời sống chung theo đường lối yêu thương, công lý, hoà bình và sự thật.