Lòng Nhân Từ

Chúa Nhật 7 Thường Niên, Năm C

Anh chị em thân mến,

Tuần trước, chúng ta đã có dịp nghe bài giảng trên núi của Chúa Giêsu. Nội dung cốt yếu của bài này là tinh thần nghèo khó. Ở đây không phải là lời khuyến dụ chúng ta tự bần cùng hóa chính mình và gia đình mình. Nhưng đây là lời kêu gọi chúng ta vượt lên trên những cám dỗ của vật chất. Chúng ta được mời gọi sống vượt trên vật chất, nghĩa là đừng để bị vật chất làm chủ, đè bẹp, không chế và nô lệ hóa chúng ta.

Trong cùng một chiều hướng đó, Tin Mừng tuần này kêu gọi chúng ta sống phi thường theo một cách khác. Chúng ta được khuyến dụ làm một nỗ lực vượt lên trên sự lôi kéo bình thường của phản ứng theo bản năng tự nhiên. Thông thường chúng ta có thiện cảm với kẻ đối xử tốt với mình. Chúng ta thích lui tới với những kẻ đem lại lợi ích cho mình. Ngược lại, chúng ta xa lánh những ai có thể tạo gánh nặng cho chúng ta. Chúng ta nuôi dưỡng tâm tình bực bội đối với những ai làm trở ngại đến cuộc sống chúng ta. Tuy nhiên, cái lối hành xử theo bản năng này không phải là con đường của người Kitô hữu. Chúa Kitô mời gọi chúng ta hành xử theo một đường lối khác. Ngài mời gọi chúng ta yêu kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét mình, cầu nguyện cho kẻ vu khống mình và chấp nhận bị thua thiệt. Như thế Chúa mời gọi chúng ta vượt lên khỏi bản năng bình thường và đừng để bị nó lôi kéo. Chỉ có như thế chúng ta mới đi vào đường lối nhân từ như Chúa là đấng nhân từ với hết mọi người.

Để có thể tỏ lòng nhân từ đối với kẻ mà chúng ta không có thiện cảm, chúng ta có thể suy nghĩ về một vài điểm gợi ý như sau. Thứ nhất, chúng ta cần đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để thông cảm được với họ. Nếu tôi ở vào địa vị, hoàn cảnh của người đó thì sao? Có lẽ tôi cũng làm như thế? Hoặc tôi cũng nói năng như vậy? Hoặc tôi cũng phải chọn lựa con đường đó?

Thứ hai, chúng ta đừng vội tin mà xét đoán người này kẻ kia. Nghe một bên thì chưa đủ. Cần phải lắng nghe nhiều nguồn tin tức mới có thể đi đến một kết luận nào đó. Sở dĩ nhiều hiểu lầm xảy ra là vì cái bệnh cả tin. Hễ nghe ai nói gì là xiêu lòng rồi vội tin mà nghi kỵ lẫn nhau.

Thứ ba, không nên suy đoán cách bừa bãi. Người mình hay có thói quen suy đoán bừa bãi. Người ta nói một đàng, mình đem ra mổ xẻ theo cái lối chủ quan của mình, rồi kết luận sai lạc làm buồn lòng nhau.

Thứ tư, xét lại những mong mỏi của mình, có khi quá khó, không ai theo được. Bất cứ ai cũng có những tiêu chuẩn trong đầu để phán xét về sự vật, hoàn cảnh và tha nhân. Khi chúng ta nói người này tốt, kẻ kia xấu, là chúng ta đã phán xét dựa theo một số tiêu chuẩn nào đó. Do đó, để có lòng nhân từ, chúng ta không nên có những tiêu chuẩn hay những đòi hỏi quá xa thực tế. Như thế, chúng ta sẽ dễ thông cảm cho những khiếm khuyết của người khác.

Lòng nhân từ nêu lên hai điểm then chốt. Đó là bác ái và tha thứ. Lòng nhân từ thôi thúc ta cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của tha nhân, rồi cố gắng hy sinh, thời gian, năng lực và tiền của để giúp đỡ họ.

Còn về sự tha thứ thì cũng quan trọng không kém. Bởi lẽ, con người yếu đuối dễ vấp phải lỗi lầm, nên cần sự tha thứ. Khi tha thứ thì tâm hồn ta được bình an thoải mái. Vì bao lâu ta còn ôm mối thù hận hay tức giận với tha nhân ở trong lòng mình, thì bấy lâu ta vẫn không bình an. Một tâm hồn không bình an là một tâm hồn không hạnh phúc. Chúng ta cần tha thứ để được bình an và hạnh phúc. Tha thứ còn giúp ta tiết kiệm được thì giờ và năng lực để lo việc khác. Ngoài ra, tha thứ còn giúp ta dễ liên hệ với người khác và tạo tình thân với người chung quanh.

Khi có lòng bác ái để yêu thương ngay cả kẻ làm hại mình và tâm tình tha thứ thì chúng ta biểu lộ lòng nhân từ đối với tha nhân như Chúa dạy chúng ta. Lòng nhân từ là dấu chỉ ta sống vượt lên khỏi bản năng bình thường để theo chân Thầy Chí Thánh Giêsu trên con đường hoàn thiện. Vì chính Ngài đã nói: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.”